Đấu thầu thuốc: 'Đừng nhìn ai cũng là tội phạm'

Luật Đấu thầu QUỐC HỘI
12:10 - 15/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Liên quan đến hoạt động đấu thầu thuốc, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng không nên "nhìn ai cũng là tội phạm" vì bản thân một bác sỹ với quá trình học tập và lương tâm nghề nghiệp, ưu tiên đầu tiên khi lựa chọn thuốc là hiệu quả điều trị.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa 13 ban hành cho tới thời điểm này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trên thực tế nên cần phải sửa đổi.

Đại biểu nêu quan điểm đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua xảy ra tiêu cực quá nhiều và hầu như toàn thể dự thảo luật có các quy định nhằm tăng cường những biện pháp làm sao để giám sát, tuy nhiên sẽ làm tăng thời gian, công sức và hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ.

Về đấu thầu y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc. Đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có thuốc cho người bệnh, "chứ không chỉ chăm chú vào đấu thầu vừa tốn thời gian, vừa không có thuốc, cũng chưa chắc chống được tiêu cực".

Hơn nữa, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Tránh tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện như hiện nay.

Về giá đấu thầu, đại biểu cho rằng quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc. Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi Hội đồng thuốc và điều trị.

Đấu thầu thuốc: 'Đừng nhìn ai cũng là tội phạm' ảnh 1

Tôi đồng ý đây là vấn đề cảm tính và sau này nếu cơ quan kiểm tra điều tra có thể kết luận tại sao không chọn thuốc rẻ hơn mà chọn thuốc này đắt hơn, cho nên cần có quy định cụ thể. Đừng có nhìn ai cũng là tội phạm, bởi bản thân một bác sỹ với quá trình học tập và lương tâm nghề nghiệp, ưu tiên đầu tiên khi lựa chọn thuốc cho bệnh nhân đó chính là hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP HCM

Đại biểu cho rằng, nếu sợ tiêu cực thì làm thí điểm và có giám sát cơ quan chức năng, chứ không nên "làm khổ" Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn. "Bản thân tôi khi đi giám sát đôi khi cũng rất hoảng hốt với các chiêu thức, chưa nói gì các hội đoàn không có kiến thức chuyên môn", đại biểu nêu vấn đề.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP HCM thống nhất với các ý kiến của các đại biểu đã góp ý tại hội trường và cho rằng, trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc, điều đó là chưa đủ.

Đại biểu mong muốn Ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực đấu thấu y tế có tính chuyên sâu rất cao. Bên cạnh đó, dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường, đại biểu cho rằng cần phải xem vật tư y tế hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Dẫn Khoản 5, Điều 39: Khi đấu thầu được phép mua, được chọn xuất xứ để có những thiết bị y tế hiện đại để phục vụ người bệnh, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên sửa lại là cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt hoặc bệnh viện tuyến cuối nên được phép lựa chọn thương hiệu để mua sắm thuốc hoặc trang thiết bị y tế.

Có như vậy thì người nghèo và bệnh viện công mới được tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại và các thiết bị tiên tiến nhất.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP HCM

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP HCM

Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện giờ chỉ có quy định là cấp cứu, còn chưa quy định trường hợp cấp bách bởi khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Trường hợp cấp bách này thì xử lý như thế nào, tổ chức nào được phép xác định trường hợp cấp bách?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị nên cho phép lãnh đạo bệnh viện hay là Đảng ủy, Hội đồng xác định trường hợp cấp bách, để tránh tiêu cực và kịp thời đáp ứng thuốc cho người bệnh.

Cần cân nhắc vấn đề thiết kế chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu sâu sắc, tâm huyết, toàn diện, trách nhiệm.

Bộ trưởng chia sẻ Luật Đấu thầu phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Trong quá trình soạn thảo có nhiều luồng ý kiến đặt vấn đề nên quy định nới lỏng hay siết chặt để bảo đảm quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao. Trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt nhưng cũng có những vướng mắc như nhiều đại biểu phản ánh.

Do đó, sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực tham nhũng. Luật phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện các mua sắm các gói thầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trước ý kiến đề xuất có chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần phải cân nhắc bởi nếu có chương riêng sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật. Bởi vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh…

Bộ trưởng cũng cho biết thêm sẽ rà soát để bảo đảm bao quát đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc trong ngành y tế để tạo thuận lợi cho hoạt động khám, chữa bệnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.