Đề nghị mở rộng hơn quyền của người trúng đấu giá biển số ô tô

đấu giá QUỐC HỘI
13:58 - 07/11/2022
Đề nghị mở rộng hơn quyền của người trúng đấu giá biển số ô tô
0:00 / 0:00
0:00
Thảo luận tại hội trường về nội dung thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hơn quyền của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, thừa kế biển số xe ô tô.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 7/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Hầu hết các đại biểu bày tỏ nhất trí việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương; đồng thời để khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần làm rõ. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là quyền của người trúng đấu giá.

Điểm c, khoản 2 điều 3 của dự thảo nghị quyết quy định người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).

Trong khi đó, theo khoản 2 điều 4, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe thì không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là không phù hợp.

Đại biểu đặt vấn đề, sau khi thực hiện thí điểm 3 năm xe gắn biển giá sau 2 đến 3 lần chuyển nhượng biển số chúng đã trúng đấu giá theo xe ô tô sẽ hết khấu hao, không được phép sử dụng và lưu hành. Trong khi người nhận chuyển nhượng biển số theo xe không được chuyển nhượng riêng biển số xe cho người khác cũng không được dùng để đăng ký cho xe của mình. Khi muốn mua xe mới thì chủ sở hữu phải đi đấu giá hoặc đăng ký một biển biển xe khác.

Vậy biển số xe trúng đấu giá đã nhận chuyển nhượng sẽ được dùng vào việc gì và cơ quan chức năng quản lý biển số xe này như thế nào?

Theo đó, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình như quyền của người đã trúng đấu giá sau khi chuyển nhượng, cho, tặng xe của mình cho người khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Điểm đ, khoản 1, Điều 4 quy định: Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.

Cho ý kiến về điểm này, Đại biểu Lưu Bá Mạc - đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng người trúng đấu giá chết là lý do bất khả kháng, nên người thừa kế chỉ được nhận lại tiền sau khi trừ chi phí là không có lợi cho người dân. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về việc hoàn tiền trúng đấu giá khi người trúng đấu giá chết nhưng biển số chưa được đăng ký cân nhắc sửa theo hướng linh hoạt hơn là có thể trao quyền cho người nhận thừa kế của người trúng đấu giá được lựa chọn phương án khoản tiền hoặc là được thừa kế biển số trúng đấu giá.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định vào nội dung: quá thời hạn 12 tháng mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số trúng đấu giá với xe thuộc sở hữu thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số xe.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng đề nghị cân nhắc nới lỏng quy định theo hướng người được cho, tặng, nhận thừa kế được phép giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác

Đại biểu Lưu Bá Mạc - đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Lưu Bá Mạc - đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đồng quan điểm, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà băn khoăn khi dự thảo nghị quyết vừa coi biển số xe là tài sản nhưng lại coi đây là tài sản đặc thù nên hạn chế quyền của người trúng đấu giá. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản thì phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất.

Mặt khác, về quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng biển số xe ô tô cũng như số điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do Nhà nước quản lý không có văn bản nào quy định, nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà

"Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá, chủ trương đấu giá biển số ô tô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển xe ô tô", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhìn nhận.

Đề xuất giá khởi điểm 200 triệu đồng với biển số đẹp

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng cần quy định thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng và xác định "biển số rất đẹp" để tăng khoản thu từ đấu giá.

Đại biểu cho rằng, người dân chia biển số đẹp thành hai nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian có các chữ số như 39, 79, 86... và nhóm có các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học như 121.11, 345.67, 888.99...

"Nhóm số sắp xếp theo quy tắc khoa học được đa số người dân yêu thích, khi gắn vào ôtô giúp tăng giá trị xe lên rất nhiều. Có xe giá 800 triệu đồng, khi gắn biển 99999 đã bán được 1,7 tỷ đồng; xe 2,5 tỷ đồng có biển số đẹp đã bán lại hơn 5 tỷ đồng", đại biểu nhận định.

Vì vậy đại biểu Cảnh đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm biển đẹp có số được bố trí theo nguyên tắc khoa học, có số hạn chế trong tổng kho số, bắt buộc đấu giá và có giá khởi điểm 200 triệu đồng.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

"Đề xuất này có tính khả thi cao vì giá trị biển chiếm khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay có nhiều dòng xe sang giá 3-40 tỷ đồng, 5% sẽ khoảng 150 triệu đến 2 tỷ đồng. Số lượng dòng xe sang này chiếm khoảng 2,5% số xe đã bán ra thời gian qua. Như vậy xác suất người có xe sang đấu giá được hết kho biển số đẹp là cao, giúp giá trị xe tăng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng", đại biểu nhìn nhận.

Ông Cảnh kỳ vọng, khi đề xuất nêu trên được thực thi, mỗi năm sẽ tạo thêm khoản thu vài nghìn tỷ đồng, vừa tăng nguồn thu, vừa thỏa mãn nhu cầu người đấu giá.

Đọc tiếp