Tại báo cáo tài chính quý 2/2023, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) ghi nhận sự lao dốc khi nhiều mảng kinh doanh đều kém khởi sắc.
Trong kỳ, doanh thu thuần của TCM đạt 715 tỷ đồng, thấp hơn 32% so với cùng kỳ. Qua đó kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm tới 97% cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng - là mức lợi nhuận thấp nhất theo quý tại doanh nghiệp này kể từ tháng 4/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần tại dệt may Thành Công ở mức 1.591 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 52,58 tỷ đồng, giảm 62%. Với kết quả này, TCM mới chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm (245 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm 65,1%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 25,3%, thị trường Nhật chiếm 21,76%, Trung Quốc chiếm 7,19%, Việt Nam chiếm 5,98%.
Tiếp theo đến thị trường châu Mỹ chiếm 29,2%, trong đó thị Mỹ chiếm 25,78%, Canada chiếm 3,41%. Thị trường châu Âu chiếm 4,8% trong đó thị trường Anh chiếm 4,41%.
Theo giải trình của TCM, do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao tại Mỹ và EU trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ và EU thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không phải là hàng thiết yếu, trong đó có hàng dệt may. Điều này làm cho tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm TCM sang các thị trường này giảm sút so với cùng kỳ.
Về tình hình đơn hàng, công ty hiện vẫn hoạt động chưa tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý 3/2023 và theo dự báo thì kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm 2023, vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến tình hình đơn hàng những tháng còn lại của năm 2023.
Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận được khoảng 76% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 3/2023 và nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2023.
Tại ngày 30/06/2023, tổng tài sản tại TCM ghi nhận gần 3.349 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Khoản mục bị thu hẹp là lượng tiền mặt được rút mạnh từ 180 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng. Ngược lại, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng phân nửa lên gần 308 tỷ đồng.
Hàng tồn kho ở mức 1.225 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm và dự phòng 35,5 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nợ ngắn hạn giảm nhẹ 2% xuống 1.279 tỷ đồng (chiếm 90% tổng nợ phải trả), trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gánh 806 tỷ đồng.