Bạn đọc Hồng Nhung ở Bắc Yên, Sơn La hỏi: Xin được hỏi các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông nhưng chưa có đất sản xuất, canh tác thì được Nhà nước hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-UBDT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2050.
Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết nội dung hỗ trợ đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp nhưng chưa có đất sản xuất bằng hình thức hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân.
Đối tượng được hỗ trợ
Hỗ trợ hộ ĐBDTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng ĐBDTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng ĐBSTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp nhưng chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất thì được xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất.
Những hộ sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp nhưng chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng địa phương không bố trí được thì sẽ được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất
Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp được hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất. |
Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng sản xuất được mà không cần phải thực hiện cải tạo thì UBND cấp huyện căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai; các hộ này không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất.
Trường hợp địa phương còn quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất thì UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức lập và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất sản xuất cho hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về đất đai. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện khai hoang, phục hóa, cải tạo đất không vượt quá định mức hỗ trợ quy định.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề
Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ 01 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất hoặc kinh doanh khác.
Nét hoa văn thổ cẩm được tạo nên từ bàn tay người phụ nữ Mông ở Sa Pa. Ảnh: Thu Trang |
Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Quy trình, phương thức hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.