FLC dẫn đầu danh sách nợ thuế của Cục thuế TP Hà Nội

flc HÀ NỘI
16:11 - 05/09/2022
FLC dẫn đầu danh sách nợ thuế của Cục thuế TP Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
Cục Thuế TP Hà Nội vừa thực hiện công khai lần đầu nợ thuế của 348 người nộp thuế, với tổng số nợ khó thu và nợ có khả năng thu trên 155,8 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Tập đoàn FLC dẫn đầu danh sách nợ với số tiền trên 78,8 tỷ đồng.

Trong kỳ đăng công khai tháng 8, Cục Thuế TP Hà Nội công khai lần đầu nợ thuế đối với 348 trường hợp nộp thuế, với tổng số nợ khó thu và khả năng thu gần 156 tỷ đồng. Cùng với đó là 160 người nộp thuế sau khi thực hiện công khai trong năm 2021 đến thời điểm rà soát, đã nộp hết nợ với số tiền gần 49 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Theo đó, tính tới kỳ khóa sổ 30/6, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết có 332 người nộp thuế nợ thuế, phí công khai lần đầu với số tiền gần 128,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đứng đầu danh sách là CTCP Tập đoàn FLC với khoản nợ 78,8 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, từ đầu tháng 8/2022, FLC cũng liên tục bị cưỡng chế tiền nợ thuế. Hôm 3/8, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu phong toả tài khoản của FLC tại 3 ngân hàng để cưỡng chế 226,3 tỷ đồng nợ thuế. Tại địa phương này, FLC nợ khoảng 450 tỷ đồng tiền thuê đất, trong đó hơn 220 tỷ nợ quá hạn của dự án trung tâm hội nghị, khách sạn, nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình.

Sau đó vài ngày, Cục Thuế Hà Nội cũng có quyết định tương tự để cưỡng chế nợ thuế gần 72 tỷ đồng của FLC. Trong đó, có quyết định phạt hành chính với số tiền 11,5 triệu đồng về việc Công ty chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, FLC còn nhận được 8 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tổng số tiền gần 72 tỷ đồng vì Công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Về tình hình tài chính FLC, tính đến 30/6, FLC ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất các khoản tiền và tương đương tiền xấp xỉ 300 tỷ đồng, trong đó khoảng 224 tỷ tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Quy mô nợ vay ngắn và dài hạn của FLC tới cuối quý II là hơn 5.100 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, FLC có 1.534 tỷ đồng giá trị vay ngắn hạn, tăng hơn 166 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, FLC không còn dư nợ vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh Hà Nội (OCB Hà Nội), theo đó, thanh toán xong 573,3 tỷ đồng.

Dư nợ vay dài hạn của FLC cũng giảm mạnh xuống còn 1.380 tỷ đồng tại ngày 30/6 so với mức 3.296,3 tỷ đồng tại ngày 1/1. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - chi nhánh Hà Nội (Sacombank Hà Nội) đã thu hồi xong toàn bộ 1.240 tỷ đồng nợ vay của FLC. Sacombank còn thu hồi được 600 tỷ đồng nợ vay dài hạn của FLC.

Song, báo cáo tài chính của FLC cũng ghi nhận khoản vay 621 tỷ đồng với một cá nhân là ông Lê Thái Sâm - tân Thành viên HĐQT FLC thông qua 4 hợp đồng vay tín chấp có thời hạn 12 tháng (lãi suất 7%/năm), được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6 để bổ sung và thanh toán cho các hợp đồng của FLC Faros.

Ngoài ông Sâm, FLC còn nhận khoản vay tín chấp khác với quy mô hơn 180 tỷ đồng từ Tập đoàn Homeliday, lãi suất 12%/năm. Homeliday được thành lập vào năm 2019, tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest) - thành viên thuộc BHS Group. Doanh nghiệp này hoạt động trong mảng tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng. Số tiền mà Homeliday Group cho FLC vay tín chấp là đáng kể, tương đương 92,5% vốn điều lệ của mình.

Trên thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch, kể từ ngày 9/9/2022. Lý do được HoSE đưa ra là FLC tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Kết phiên 31/8, giá cổ phiếu FLC dừng ở 3.720 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 2.641 tỷ đồng. Từ khi có thông tin cổ phiếu nguy cơ bị đình chỉ giao dịch, 2 cổ phiếu này đã liên tục nằm sàn.

Danh sách nợ thuế gồm hàng loạt doanh nghiệp địa ốc

Cũng trong danh sách của Cục thuế TP Hà Nội công bố, theo sau FLC, có nhiều doanh nghiệp địa ốc nợ thuế "khủng" như: CTCP Sông Đà 4 nợ gần 9,5 tỷ đồng; CTCP tư vấn phát triển xây dựng Sông Hồng nợ gần 2,3 tỷ đồng; Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Xuân Phú nợ 4,36 tỷ đồng; CTCP Licogi 166 nợ hơn 1,1 tỷ đồng;…

Đọc tiếp

Tòa nhà FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong

FLC tiếp tục bị cưỡng chế thuế

CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) ngày 23/2 công bố các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.