Gần 800.000 tỷ đang được người dân để trong tài khoản thanh toán

NGÂN HÀNG Việt nAM
20:11 - 23/11/2021
Gần 800.000 tỷ đang được người dân để trong tài khoản thanh toán
0:00 / 0:00
0:00
Bình quân mỗi tài khoản ngân hàng của người dân đang để khoảng 7,16 triệu đồng dùng cho mục đích thanh toán.

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối quý III năm nay, tổng số tài khoản thanh toán của cá nhân đã vượt mốc 110 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay, với số dư 794.241 tỷ đồng, mức lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, số dư tiền gửi thanh toán này của cá nhân đã tăng liên tục từ quý I/2020 đến nay, cùng với đà tăng của số lượng tài khoản thanh toán mà người dân mở tại các ngân hàng.

So với quý II trước đó, số lượng tài khoản thanh toán của các cá nhân đã tăng khoảng 3,5 triệu tài khoản trong giai đoạn tháng 7-9. Nếu so với cuối năm trước, các cá nhân trong nước đã mở mới hơn 10,5 triệu tài khoản thanh toán trong 9 tháng đầu năm nay. Tương đương mỗi ngày có khoảng 38.900 tài khoản được mở mới.

Cùng với số tăng của lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng, số dư tiền gửi tại các tài khoản này cũng đạt mức kỷ lục tại thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, với số dư 794.241 tỷ đồng.

So với quý liền trước, số dư tiền này đã tăng hơn 39.500 tỷ, còn nếu so với cuối năm trước, mức tăng là gần 127.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng ròng lần lượt 5,2% so với quý II và 19,1% so với cuối năm 2020. Như vậy, số dư tiền gửi thanh toán kể trên đã có quý tăng thứ 6 liên tiếp.

Với số dư thống kê kể trên, bình quân mỗi tài khoản ngân hàng của người dân đang để khoảng 7,16 triệu đồng dùng cho mục đích thanh toán.

Đáng chú ý, gần 800.000 tỷ đồng kể trên là các khoản tiền gửi không kỳ hạn của người dân tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ). Trong đó, mức lãi suất của loại tiền gửi này chỉ phổ biến trong khoảng 0,1-0,3%/năm.

Mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với lãi tiền gửi có kỳ hạn, hiện phổ biến ở mức 3-4%/năm với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5%/năm các ngân hàng áp dụng với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.