Người dân liên tục rút ròng tiền gửi, thanh khoản ngân hàng vẫn "rủng rỉnh"

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:55 - 23/11/2021
Người dân liên tục rút ròng tiền gửi, thanh khoản ngân hàng vẫn "rủng rỉnh"
0:00 / 0:00
0:00
Tác động của dịch Covid-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân giảm mạnh tại hệ thống ngân hàng.

Như MEKONG ASEAN đã đưa, người dân đang bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%.

Hay như trong tháng 9/2021, tiền gửi dân cư tiếp tục giảm 1.500 tỷ đồng, sau khi giảm 1.000 tỷ đồng trong tháng trước. Lũy kế đến cuối tháng 9/2021, tiền gửi khu vực dân cư tăng 2,9%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất, xét trên cùng kỳ mỗi 5 năm qua.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là, dù liên tục bị người dân rút ròng tiền gửi nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào.

Điều này thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất VND liên ngân hàng vẫn duy trì đà giảm trong suốt quãng thời gian qua. Tại tuần trước (15/11 - 19/11), lãi suất kỳ hạn qua đêm chỉ còn ở mức 0,65% và 0,75% cho kỳ hạn 1 tuần.

Về nguyên nhân khiến thanh khoản dồi dào, đó là do hệ thống ngân hàng được hỗ trợ lượng tiền Đồng lớn từ việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn và giao ngay.

Chỉ riêng trong vòng 3 tuần đầu tháng 11, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước lên tới hơn 60 nghìn tỷ đồng. Đấy là còn chưa kể đến những hợp đồng mua ngoại tệ lên tới hàng trăm USD từ phía Kho bạc Nhà nước.

Trái lại, kênh trung hoà truyền thống, tức hoạt động phát hành tín phiếu của nhà điều hành vẫn đóng băng và không được sử dụng. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn nâng quy mô hỗ trợ nguồn lên tới 5.000 tỷ đồng mỗi phiên, tuy nhiên không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận.

Dự báo trong 2 tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tăng trưởng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ, lãi suất huy động vẫn sẽ dao động quanh mức thấp hiện nay.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2021 ở mức thấp có thể ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân. Do đó, khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của người dân quay lại thời điểm trước dịch nhanh chóng.

Thực tế, mới chỉ có một vài ngân hàng bắt đầu áp dụng biểu lãi suất mới với theo hướng tăng rất nhẹ. Điển hình như BaoVietBank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,15%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm, tăng 0,1%.

Hay như Eximbank tăng 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1%-0,2%/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng. Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Về chính sách tiền tệ cuối năm, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng. Vì vậy, nhiều khả năng cơ quan quản lý tiền tệ sẽ sớm nới hạn mức tín dụng với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

“Khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện tại. Trong đó, lãi suất huy động sẽ dao động trong khoảng 3-4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và 4,2-6,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng. Còn lãi suất cho vay sẽ dao động từ 5 đến 7%/năm với khoản vay ngắn hạn và 9-11%/năm với khoản vay trên 12 tháng”, nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.