Gang thép Thái Nguyên lỗ quý thứ 4 liên tiếp, nợ vay ở mức cao

TIS Tisco
10:22 - 19/07/2023
Gang thép Thái Nguyên lỗ quý thứ 4 liên tiếp, nợ vay ở mức cao
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, quý 2/2023 CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO, HoSE: TIS) ghi nhận mức lỗ nặng 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng. Đây là mức lỗ sâu nhất trong một quý của Gang thép Thái Nguyên kể từ cuối năm 2018.

Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.946 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn, Gang thép Thái Nguyên lỗ gộp gần 24 tỷ đồng trong kỳ.

Cùng với đó, mức tăng vọt của chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 28% và 129% so với cùng kỳ, đã khiến cho Gang thép Thái Nguyên lỗ ròng gần 98,8 tỷ đồng, mức lỗ sâu nhất kể từ cuối năm 2018 và đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp lỗ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 4.393 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Do giá vốn ở mức cao (4.360 tỷ đồng) nên lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 32 tỷ đồng, bằng 15% cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ 2 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt gần 14 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính tăng tới 38% lên 87 tỷ đồng. Các loại chi phí khác dù đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao đã khiến cho 6 tháng đầu năm, Gang thép Thái Nguyên lỗ ròng 117,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 33 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả này, công ty cho biết do sản lượng tiêu thụ thép trong nửa đầu năm giảm so với cùng kỳ; giá bán thép giảm mạnh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào giảm chậm hơn đà giảm của giá thép, đồng thời tổng các chi phí tăng so với cùng kỳ.

Từ đầu năm tới nay, nhu cầu thép vẫn yếu tại nhiều thị trường và tác động tiêu cực đến giá bán thép thành phẩm. Từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước đã liên tục ghi nhận giảm 14 lần trong khi sức tiêu thụ chưa được cải thiện.

Với kết quả và tình hình thị trường như hiện tại, sẽ rất khó để Gang thép Thái Nguyên có thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận 39 tỷ đồng đã đề ra.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Gang thép Thái Nguyên đạt 10.618 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với con số đầu năm. Mục tiền và các khoản tương đương tiền đạt 216 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ. Hàng tồn kho giảm nhẹ 7 tỷ đồng, đạt 1.753 tỷ đồng, trích lập dự phòng gấp đôi cùng kỳ, ở mức 11,3 tỷ đồng.

Trong tổng tài sản, công ty có gần 936 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, tuy nhiên, trong đó có tới 348 tỷ đồng là dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Nghĩa là cứ 3 đồng phải thu của khách hàng thì Gang thép Thái Nguyên có 1 đồng không đòi được. Với tỷ lệ nợ xấu lên đến 1/3, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe doanh nghiệp.

Ngoài ra, phần lớn tài sản của Gang thép Thái Nguyên là khoản chi phí xây dựng dở dang, với 6.438 tỷ đồng là khoản đầu tư xây dựng Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 3.225 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2023 là chi phí lãi vay vốn hóa.

Dự án này có tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu là gần 3.844 tỷ đồng, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư mới của dự án là 8.105 tỷ đồng. Do nhiều khó khăn, vướng mắc, dự án đã bị kéo dài so với dự kiến.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của công ty đã tăng gần 7% lên 8.785 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 2.994 tỷ đồng, tăng khoảng 3,3% so với đầu năm, vay nợ thuê tài chính dài hạn đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với con số đầu năm. Như vậy, tổng nợ thuê tài chính của Gang thép Thái Nguyên đạt 4.711 tỷ đồng, chiếm tới 54% tổng nợ, và gấp gần 2,6 lần vốn chủ sở hữu.

Điều này cho thấy sự mất cân đối nguồn vốn lớn của Gang thép Thái Nguyên và được thể hiện thông qua việc chi phí lãi vay đã tăng gần gấp rưỡi cùng kỳ lên 86 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.