Các em nhỏ người dân tộc thiểu số tại Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh minh họa: Mekong ASEAN |
Bạn đọc Hà Thị Giới ở Điện Biên hỏi: Hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số là những đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi. Vậy có chương trình nào hỗ trợ giải quyết vấn đề này hay không.
Trả lời:
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Nhu cầu vốn và dự kiến nguồn vốn để thực hiện Dự án 8 là 2.387,812 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương là 2.382,427 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương là 5,385 tỷ đồng.
Đối tượng hỗ trợ là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.
Dự án bao gồm 4 nội dung cụ thể sau đây:
Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
1. Tích cực xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi cuộc sống.
2. Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
3. Tổ chức các hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em.
4. Triển khai 04 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Thứ hai, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
1. Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới.
2. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS.
3. Thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.
4. Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người.
Thứ ba, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
1. Đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương.
2. Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ “thủ lĩnh của sự thay đổi”.
3. Công tác giám sát và đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện Chương trình.
4. Nâng cao năng lực của phụ nữ DTTS tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử.
Thứ tư, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
1. Xây dựng chương trình phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới.
2. Xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới.
3. Thực hiện các hoạt động phát triển năng lực cho các cấp.
4. Đánh giá kết quả hoạt động phát triển năng lực.