Giải trình của HoSE về sự cố nghẽn lệnh trong phiên 10/1

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
23:02 - 10/01/2022
Sự cố nghẽn lệnh trên sàn HoSE từng phải mất nửa năm mới khắc phục được.
Sự cố nghẽn lệnh trên sàn HoSE từng phải mất nửa năm mới khắc phục được.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên 10/1 là cuộc chạy đua của các nhà đầu tư với tâm lý không muốn bỏ lỡ cơ hội chốt lời. Nhưng khi lực bán đang dồn dập thì sự cố nghẽn lệnh lại xảy ra trên sàn HoSE khiến nhà đầu tư vô cùng bức xúc.

Thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần rung lắc mạnh do áp lực bán chốt lời. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1.713 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị thanh khoản giao dịch trên 50.117 tỷ đồng. Trong đó, riêng sàn HoSE có khối lượng giao dịch lên tới 41.600 tỷ đồng.

Có thể nói phiên hôm nay là sự chạy đua của các nhà đầu tư với tâm lý không muốn bỏ lỡ cơ hội chốt lời. Bởi tuần trước, thị trường đã trải qua những phiên dậy sóng khi dòng tiền liên tục đổ về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, khi lực bán đang dồn dập thì sự cố nghẽn lệnh lại xảy ra trên sàn HoSE khiến nhà đầu tư vô cùng bức xúc. Vào khoảng 14h10, bảng điện chứng khoán đột nhiên bị treo, các cổ phiếu đứng im không nhảy số trong khi sàn HNX và UpCoM vẫn giao dịch bình thường. Sự cố này khiến nhà đầu tư không khỏi hoảng hốt bởi khi đó hàng loạt cổ phiếu đang bị bán mạnh. Thị trường vô cùng khó đoán khi nhiều cổ phiếu trước đó còn tăng trần nay đã quay đầu giảm sàn.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thu hút dòng vốn đầu tư, khối lượng cổ phiếu giao dịch và thanh khoản đều tăng cao như hiện nay thì việc sàn HoSE có khả năng tái nghẽn lệnh là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo trước.

Tuy nhiên, thực tế thời điểm xảy ra sự cố lần này lại không phải là phiên mà HoSE đạt giá trị thanh khoản cao nhất. Kỷ lục thanh khoản của HoSE ở mức 44.000 tỷ đồng và hoàn toàn không bị đơ nghẽn như chiều nay.

Việc nghẽn lệnh trong phiên lực bán mạnh khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng.

Việc nghẽn lệnh trong phiên lực bán mạnh khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng.

Trước sự cố nghẽn lệnh trên, Bộ Tài chính đã ngay lập tức giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo lãnh đạo bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên ngay trong ngày 10/1. Đồng thời yêu cầu HoSE phải khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để khắc phục sự cố; khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau yêu cầu của Bộ Tài chính, sàn HoSE đã có giải trình về sự cố. Theo đó, vào lúc 14h04, hệ thống Gateway (UDP) của HoSE trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định. Đây là một trong hai kênh kết nối để Sở chuyển thông tin thị trường về cho công ty chứng khoán. Sau 14h04, các công ty chứng khoán vẫn nhận thông tin thị trường từ Sở thông qua kênh dữ liệu song song (PRS) bình thường.

HoSE thông tin thêm, Sở đã vận hành hệ thống Gateway dự phòng và khắc phục tình trạng này vào lúc 14h26 cùng ngày. Vì vậy, thông tin bảng điện tử tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng chập chờn trong khoảng thời gian nêu trên. "HoSE rất tiếc về sự việc hôm nay và xin thông tin rõ đến các cơ quan thông tấn báo chí, các thành viên và nhà đầu tư trên thị trường", thông báo của HoSE cho biết.

Sự cố nghẽn lệnh chiều 10/1 khiến nhiều người nhớ lại tình trạng hệ thống nghẽn lệnh diễn ra từ cuối năm 2020 đến giữa năm 2021 mới được khắc phục. Hồi tháng 10/2021, sau 3 tháng đưa hệ thống mới vào vận hành, Công ty Cổ phần FPT và Tập đoàn SOVICO – hai đơn vị tham gia xử lý sự cố nghẽn lệnh cho biết hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3-5 triệu lệnh/ngày, gấp 3-5 lần hệ thống cũ.

Tuy nhiên với sự cố trên, nhà đầu tư không khỏi lo ngại vì sắp tới, thị trường còn đón dòng tiền giao dịch mạnh hơn nữa.

Tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm mới (4/1), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, "chiến dịch" 100 ngày đã kịp thời thành công xử lý nghẽn lệnh trên sàn HoSE, nâng giới hạn xử lý lên 3 triệu lệnh/ngày.
Tuy nhiên đến nay "room" đã đạt khoảng 2,5 triệu lệnh/phiên, nếu không nhanh chóng cải tiến thì sẽ tiếp tục nghẽn mạch trong tương lai gần.
Bộ trưởng cũng yêu cầu VNX chỉ đạo HoSE, bàn với FPT để nhanh chóng mở rộng và đón đầu chống nghẽn mạch, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thị trường chứng khoán thông suốt, phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.