Vòng gọi vốn lần này bao gồm vốn cổ phần và vốn vay được hoàn thành chỉ sau 5 tháng kể từ khi startup GIMO công bố nhận 5,1 triệu USD vào tháng 2 vừa qua.
Thương vụ được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura với sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại của startup này như Integra Partners, Resolution Ventures, Blauwpark Partners, ThinkZone Ventures và Y Combinator. Ngoài ra, vòng gọi vốn còn có sự đóng góp của các nhà đầu tư mới như Genting Ventures, TKG Taekwang, George Kent và AlteriQ Global.
Khoản đầu tư tại vòng Series A sẽ giúp startup thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô thị trường. Với khoản đầu tư mới lần này, GIMO dự kiến tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, qua đó ra mắt nhiều sản phẩm hướng và sáng kiến hướng tới cộng đồng, giúp người lao động phổ thông tránh được rủi ro bẫy nợ và tín dụng đen, góp phần nâng cao an toàn tài chính và an sinh.
Nguồn vốn này cũng được GIMO sử dụng để đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác từ đó khởi động các chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ người lao động yếu thế.
"Nguồn vốn đầu tư này sẽ giúp GIMO tiến gần hơn tới tầm nhìn thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp cải tiến sản phẩm và mang lại tác động tích cực cho cộng đồng yếu thế về tài chính tại Việt Nam", ông Nguyễn Anh Quân, đồng sáng lập GIMO cho biết.
Hai nhà sáng lập GIMO: Giám đốc điều hành Nguyễn Anh Quân và Giám đốc sản phẩm Nguyễn Văn Ngọc. |
Chính thức ra mắt vào đầu năm 2021, ứng dụng GIMO được thành lập bởi ông Nguyễn Anh Quân (Giám đốc điều hành GIMO) và Nguyễn Văn Ngọc (Giám đốc sản phẩm GIMO).
Hoạt động trong lĩnh vực fintech, GIMO được tích hợp với hệ thống tính lương của doanh nghiệp, giúp người lao động chủ động nhận trước phần lương kiếm được trong tháng. Ngoài ra, người dùng còn có thể theo dõi ngày công và thu nhập hàng ngày theo thời gian thực, đồng thời tham khảo những mẹo quản lý tài chính cá nhân.
Đến nay, GIMO đã cung cấp giải pháp chi và nhận lương linh hoạt cho 500.000 người lao động từ gần 100 doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ. Thời gian tới, GIMO đặt mục tiêu phục vụ 2,5 triệu người lao động vào năm 2025.
Mô hình chi lương linh hoạt là một xu hướng hiện đại, giúp gắn kết người lao động với doanh nghiệp. Giải pháp nhận lương linh hoạt không chỉ giúp người lao động trang trải những chi phí phát sinh mà còn cả những chi phí sinh hoạt hàng ngày, qua đó giúp họ cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống.
Ông Zhi Yong Heng, Giám đốc điều hành của AlteriQ Global nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho giải pháp nhận lương linh hoạt, mang đến tài chính toàn diện và ổn định cho người lao động phổ thông. Quyết định hợp tác tài trợ vốn với GIMO là thương vụ đầu tiên của AlteriQ tại Việt Nam.
Nhận lương linh hoạt là giải pháp công nghệ cho phép người lao động có thể nhận trước một phần tiền lương bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu mà không cần phải chờ đến ngày trả lương. Với giải pháp này, người lao động có thể chủ động chi tiêu, ứng biến mọi vấn đề phát sinh như con ốm, thuê nhà, trả nợ….