Giữ mối tương tác giữa bộ máy chính quyền với người dân

sự kiện Việt nAM
20:16 - 24/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc giữ tương tác giữa bộ máy chính quyền và người dân, lãnh đạo chính quyền cần dựa vào sức mạnh của truyền thông để thực hiện truyền tải thông điệp.

Phát huy vai trò của truyền thông chính sách trong tình huống khủng hoảng

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực" chiều 24/11, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho hay, khi nằm trong tâm điểm đại dịch Covid-19 hồi giữa năm 2021, TP HCM mới thấm thía vai trò của truyền thông, của khủng hoảng truyền thông trong đại dịch.

"Do đó, TP HCM luôn ý thức tầm quan trọng với truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng", ông Đức phát biểu.

Cũng theo ông Dương Anh Đức, để thực hiện tốt công tác này, thời gian qua, TP HCM đã thực hiện tương đối hiệu quả kế hoạch truyền thông, trong đó thực hiện tốt phương châm "Chủ động, nhanh, đúng, đủ và trực tiếp".

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách, chiều 24/11. Ảnh: VGP

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách, chiều 24/11. Ảnh: VGP

Cụ thể, TP HCM quan tâm đến việc chuẩn bị các nội dung truyền thông trên tinh thần rõ ràng, thuyết phục. Bên cạnh việc sử dụng truyền thông thông qua mạng xã hội, một trong những kênh truyền thông khá hiệu quả và xu hướng người dân quan tâm, TP cũng đẩy mạnh truyền thông trên Cổng Thông tin của Sở Y tế; đặc biệt là phát huy vai trò của Trung tâm báo chí TP HCM.

Ông Đức chia sẻ, khi thực hiện công tác truyền thông phải triển khai truyền thông một cách đa dạng như báo chí truyền thông cả báo điện tử, báo in; đưa báo in và báo giấy vào các khu cách ly để bà con nắm bắt thông tin; sử dụng các kênh thông tin phát thanh, truyền hình, các cổng thông tin, mạng xã hội.

Lãnh đạo UBND TP HCM dẫn ví dụ, chính quyền đã cố gắng tiếp cận cho việc lắng nghe, thấu hiểu người dân, trao đổi trực tiếp với người dân thông qua mục "Dân hỏi, Thành phố trả lời" bắt đầu từ tháng 8/2021. Ngoài kênh truyền hình còn qua fanpage, youtube, tiktok...Đặc biệt, chương trình với chủ đề "Đối thoại cùng Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi" có lượt tương tác cao nhất.

Ngoài ra, TP HCM cũng tiếp cận đầy đủ các kênh thông tin qua họp báo. Thành phố duy trì hằng tuần họp báo một lần, hai lần tùy theo yêu cầu và thông tin phát sinh để bảo đảm truyền tải thông tin đến người dân một cách hiệu quả nhất.

Bằng việc sử dụng công cụ truyền thông mới trên mạng xã hội, chuyên mục "Dân hỏi – Thành phố trả lời" đang trở thành một kênh truyền thông mới, nhiều triển vọng, có khả năng cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật đồng thời là kênh kết nối tương tác giữa người dân và chính quyền thành phố.

"Như vậy, có thể khẳng định, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giữ tương tác giữa bộ máy chính quyền và người dân. Lãnh đạo chính quyền dựa vào sức mạnh của truyền thông để thực hiện truyền tải thông điệp" Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đánh giá, nội dung và cách thức truyền thông phải được quan tâm đầu tư nhằm tác động tới người dân một cách hiệu quả nhất.

"Qua đó, TP HCM nhận ra rằng, việc xây dựng một chiến lược truyền thông của chính quyền thành phố là hết sức cần thiết trong giai đoạn sau đại dịch góp phần nâng cao hiệu quả của công tác triển khai chính sách, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo và linh hoạt thích ứng, góp phần quan trọng vào các thành tựu của thành phố", ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách chuyên nghiệp

Cùng bàn về kinh nghiệm trong công tác truyền thông của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chia sẻ, thời gian qua, nhiều vấn đề lớn, nhạy cảm trên mặt trận truyền thông được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An chỉ đạo, triển khai thực hiện đúng định hướng, tạo hiệu ứng, đạt hiệu quả. Trong đó, công tác truyền thông chính sách đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào những thành công đó.

Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 837 ngày 9/3/2022 về việc xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; UBND tỉnh Long An đã sớm chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Để phát huy công tác truyền thông chính sách theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Long An đã thành lập Bộ phận truyền thông chính sách của tỉnh (hoạt động kiêm nhiệm). Trong đó, quy định rõ nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp công tác của bộ phận truyền thông chính sách tỉnh; quy định mối quan hệ phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và với các cơ quan báo chí truyền thông, thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh; quy định nhiệm vụ cụ thể thành viên bộ phận truyền thông chính sách tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện, kiện toàn bộ phận thực hiện truyền thông chính sách; Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ; Hoàn thiện cơ chế hoạt động, kinh phí hoạt động; Tổ chức truyền thông chính sách đồng bộ từ giai đoạn chuẩn bị ban hành, khi ban hành và thực thi chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ.

Xây dựng cơ chế bắt buộc cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông

Chia sẻ về công tác truyền thông của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp: Hoàn thiện bộ máy làm công tác truyền thông; Củng cố đội ngũ làm công tác truyền thông cơ sở; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng; Tổ chức thực hiện.

Về củng cố lại thông tin cơ sở để nâng cao năng lực thông tin, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm truyền thông và văn hoá, trang bị đài phát thanh, loa đài đến tận các xã các thôn với hệ thống kỹ thuật có dây và không dây, phù hợp cả khu vực biên giới và hải đảo.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã tích cực xây dựng lại đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên. Ngoài đội ngũ 300 phóng viên, biên tập viên của Trung tâm truyền thông thì tỉnh đã phối hợp với hơn 40 cơ quan báo chí trung ương, các Bộ, ngành.

Về cơ sở hạ tầng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh thường xuyên được nâng cấp, hoàn thiện và khai thác tối đa. Hiện nay Quảng Ninh có 5 Cổng thông tin điện tử cấp 1, 59 Cổng thông tin điện tử cấp 2, 127 Cổng thông tin điện tử thành phần cấp 3 và các cổng thông tin điện tử liên cấp.

Tỉnh cũng dự kiến sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn hợp pháp để đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh đồng bộ cho Trung tâm truyền thông tỉnh; đang chuẩn bị đầu tư khoảng 700 tỷ đồng xây dựng trụ sở Trung tâm truyền thông tỉnh hướng tới xây dựng tập đoàn truyền thông mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã xây dựng cơ chế bắt buộc cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng UBND tỉnh hàng tháng phải gặp mặt đầy đủ các cơ quan thông tấn báo chí để thông tin đầy đủ, trực tiếp thông tin tới báo chí và tuyệt đối không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Đều đặn chiều thứ Ba hàng tuần, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ cùng Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động thông tin tới các cơ quan truyền thông, không để các nhà báo bị thiếu thông tin.

"Có thể nói, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác truyền thông chính sách. Vừa phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vừa đấu tranh không khoan nhượng với thông tin sai lệch trên địa bàn tỉnh. Hàng năm Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ cũng có những cuộc khảo sát đo lường sự tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nhận định, truyền thông chính sách có vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn của quy trình chính sách, góp phần giúp cơ quan Nhà nước xác định chính xác vấn đề và giải pháp chính sách. Đồng thời, tạo lập niềm tin của người dân, xã hội ủng hộ chính sách, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp