Hà Giang: Triển khai các mô hình giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số

CHÍNH SÁCH dân tộc
14:33 - 16/10/2023
Hà Giang: Triển khai các mô hình giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số
0:00 / 0:00
0:00
Xác định tạo việc làm cho người dân nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công tác giảm nghèo tại tỉnh Hà Giang.

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn), giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Hà Giang được giao nguồn vốn sự nghiệp 245.320 triệu đồng. Đến tháng 9/2023, địa phương này đã thực hiện giải ngân được 22.417 triệu đồng.

Theo đó, đã có 7 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế được xây dựng, hỗ trợ trực tiếp cho 825 hộ dân thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được các ngành, địa phương rà soát, lựa chọn, xây dựng các dự án để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Một trong những địa phương tiêu biểu triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo tại Hà Giang là huyện Yên Minh nơi tập trung các dân tộc người Mông, Nùng, Tày, Dao, Giáy...

Những năm qua, huyện đã tập trung vào chăn nuôi đại gia súc với hình thức hỗ trợ tiền vốn mua con giống, hỗ trợ tu sửa chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình.

Các hộ dân đóng góp thêm tiền mua con giống, công tu sửa chuồng trại, trồng thức ăn chăn nuôi. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai theo hình thức nuôi luân chuyển, có thu hồi, nhằm bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Các dự án đang được thực hiện hiệu quả, các hộ tham gia có trách nhiệm với việc chăm sóc vật nuôi của dự án hỗ trợ nên đàn gia súc phát triển tốt, giúp người nghèo có phương tiện sản xuất, sức cày kéo, phân bón, tạo việc làm, có sản phẩm giá trị cao để bán ra thị trường, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, dự án giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo chuyển đổi nhận thức và ý chí, quyết tâm vượt nghèo, tự nguyện tham gia dự án, nhờ đó đã khai thác tiềm năng, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững; đội ngũ cán bộ ở cơ sở nâng cao thêm kiến thức quản lý, điều hành các dự án.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang là 42,08%; năm 2022, tỉ lệ này giảm còn 37,08%. Về cơ sở hạ tầng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ hộ dân người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 96,13%.

Hà Giang có trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở nhiều thôn đặc biệt khó khăn, đặc thù. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh được phân bổ trên 8.700 tỷ đồng thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó vốn ngân sách gần 7.800 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương và các nguồn vốn khác. Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Hà Giang đã xác định có 22 mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 và được cụ thể hóa bằng có 91 nhiệm vụ đối với dự án thành phần.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội đầu tư vào nhiều lĩnh vực, bao gồm phát triển nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi, điện lực,... qua việc đầu tư đã đem lại những kết quả tích cực, như tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân,....

Chương trình được đầu tư trong giai đoạn dài, nên hoàn toàn có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng trưởng kinh tế địa phương, nhất là đối với đồng bào DTTS trong dài hạn.

Qua hai năm triển khai thực hiện chương trình, cơ bản các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần đã được triển khai thực hiện và phân bổ vốn đến các đơn vị, các địa phương thực hiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.