Nông thôn mới huyện Mê Linh. Ảnh: UBND Mê Linh. |
Ngày 14/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 đã tổ chức Hội nghị giao ban về kết quả thực hiện đến hết quý 2/2023.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý 2/2023, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.
Đối với 3 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận.
Tính đến hết quý 2/2023, TP Hà Nội có 5 huyện đạt nông thôn mới nâng cao: Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức. Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong năm 2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới của TP Hà Nội là 8.699 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách thành phố là 1.713,05 tỷ đồng, chiếm 19,7%; ngân sách huyện là 6.273,2 tỷ đồng, chiếm 72,1% và ngân sách xã là 493,1 tỷ đồng, chiếm 5,7%. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 219,6 tỷ đồng, chiếm 2,5%.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Cao Thanh, Bí thư Huyện ủy Ba Vì cho biết, nguồn vốn cấp cho chương trình xây dựng nông thôn mới rất kịp thời, đầy đủ, thể hiện sự quan tâm của thành phố với huyện.
Các sở/ngành cũng bám sát cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc tạo điều kiện cho huyện thực hiện nhiều nội dung còn vướng mắc. Các quận cũng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều công trình trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ông Dương Cao Thanh đề nghị thành phố quan tâm giúp đỡ cải thiện tiêu chí về môi trường để sớm di dời các hộ dân trong bán kính 500m khu vực ảnh hưởng bãi xử lý rác thải. Đồng thời, có kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số, tạo sàn giao dịch thương mại điện tử để người nông dân có thể tự chủ động tiêu thụ sản phẩm.
Đối với công tác quy hoạch, ông Thanh kiến nghị cần phân tích kỹ thế mạnh từng địa phương để thu hút đầu tư và có chính sách thu hút đầu tư sau quy hoạch để đạt hiệu quả.
Cùng đóng góp ý kiến xây dựng nông thôn mới, bà Bùi Thị Thu Hiền, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa kiến nghị thành phố có hướng dẫn cụ thể về cơ chế hỗ trợ, tích tụ ruộng đất.
Cùng với đó, bà Hiền mong muốn thành phố có chính sách miễn thuế đất thực hiện khu chế biến, liên kết sản phẩm, sau khi Luật Thủ đô được thông qua, để các huyện tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đã và đang đặt hàng các nhà khoa học, các viện, học viện hỗ trợ thành phố tập trung vào sản xuất các lĩnh vực chủ lực trong nông nghiệp.
Về chăn nuôi, thành phố tập trung vào phát triển con giống như: Bò, lợn, gà… để cung cấp giống cho cả nước. Hà Nội sẽ tạo thành chuỗi liên kết theo hướng cung cấp giống cho các tỉnh để chăn nuôi và đưa sản phẩm về Thủ đô để tiêu thụ.
“Đối với trồng trọt, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp hàng hoá như lúa, rau đặc trưng cho người dân Thủ đô. Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, thích ứng với tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mùa vụ bền vững”, ông Quyền nói thêm.