Hải Dương bàn cách cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

PCI Hải Dương
10:29 - 22/04/2023
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm so với năm 2021. Xếp hạng PCI của tỉnh đứng thứ 32 trong cả nước, giảm 19 bậc so với năm 2021.

Chiều 21/4, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022.

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Hải Dương đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm so với năm 2021. Xếp hạng PCI của tỉnh đứng thứ 32 trong cả nước, giảm 19 bậc so với năm 2021. So với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, xếp hạng của tỉnh đứng thứ 9/11 tỉnh, giảm 4 bậc so với năm 2021.

Tại hội nghị, đã có 6 nội dung tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Tại hội nghị, đã có 6 nội dung tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Trong tổng số 10 chỉ số thành phần PCI, năm 2022 thì Hải Dương chỉ có 1 chỉ số tăng điểm, 9 chỉ số giảm điểm so với năm 2021. Chỉ số tăng điểm là gia nhập thị trường đạt 7,55 điểm, tăng 0,31 điểm, đạt mức tăng cao so với chênh lệch điểm trung vị cả nước (cả nước điểm trung vị tăng 0,07 điểm).

9 chỉ số giảm điểm là cạnh tranh bình đẳng giảm 2,97 điểm, tính năng động của chính quyền giảm 1,57 điểm, đào tạo lao động giảm 1,03 điểm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,61 điểm, chi phí không chính thức giảm 0,43 điểm, chi phí thời gian giảm 0,15 điểm, tính minh bạch giảm 0,12 điểm, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 0,1 điểm, tiếp cận đất đai giảm 0,02 điểm.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại hội nghị.

Sớm ban hành bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương

Tại phần thảo luận, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương Lê Hồng Diên cho biết, thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, sở đã thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành khác tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ một số vướng mắc trong quy trình tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư…

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu, chỉ số thành phần có sự tham gia của sở chưa có cải thiện, chất lượng tham mưu cải thiện môi trường đầu tư còn hạn chế.

“Ngay sau hội nghị, Sở sẽ khẩn trương rà soát kết quả các chỉ số thành phần PCI để xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, quyết tâm nâng cao điểm, nhất là các chỉ số có trọng số lớn bền vững. Quyết liệt tham mưu tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là các dự án giao thông kết nối vùng hỗ trợ trực tiếp cho việc thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh”, ông Lê Hồng Diên cam kết.

Còn theo Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương Trần Văn Hảo, việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Do đó, Sở Công Thương kiến nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các thông tin liên quan tới FTA. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, bất cập về đất đai, đầu tư, xây dựng để doanh nghiệp có thể chủ động đón đầu cơ hội từ FTA.

“Ngành Công Thương Hải Dương sẽ chủ động tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương để thông tin về FTA tới cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức”, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết.

Lý giải về việc một số chỉ tiêu thành phần của chỉ số tiếp cận đất đai bị giảm điểm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương Hoàng Văn Thực nhận định, ngoài nguyên nhân chủ quan do thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chậm, phối hợp giải quyết công việc hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin chưa kịp thời, cập nhật kiến thức pháp luật đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thì còn chịu tác động bởi các nguyên nhân khách quan. Đó là hệ thống chính sách pháp luật về đất đai chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính của dự án thuê đất liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh 1 cấp mới được thành lập nên khối lượng công việc dồn về sở rất lớn…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương khẳng định, Sở sẽ xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc cố tình vi phạm trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai.

“Để cải thiện chỉ số PCI, thời gian qua Cục Thuế tỉnh đã công khai đường dây nóng, doanh nghiệp có thể phản ánh khi cán bộ thuế có biểu hiện nhũng nhiễu. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế”, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hải Dương Vũ Ngọc cho biết.

Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên đề xuất tỉnh cần sớm ban hành bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) để nâng cao chỉ số PCI. DDCI sẽ là cơ sở để đánh giá khách quan việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, các sở, ngành cần chủ động tham mưu tỉnh ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng, trên cơ sở nghiên cứu 10 chỉ số thành phần, huyện xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để cùng tỉnh nâng cao thứ hạng PCI. Đó là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, khả năng tiếp cận các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, thủ tục về đất đai; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cấp ủy, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp

Theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thu hút đầu tư có hiệu quả thì tỉnh Hải Dương cần xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai.

Trong đó, nâng cao chất lượng thực thi của bộ máy điều hành từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương. Đối với lĩnh vực cải cách hành chính, bên cạnh việc phát huy kết quả quan trọng trong cải cách, đơn giản hóa nhóm thủ tục đầu vào, tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện nhóm thủ tục hành chính phía sau. Bên cạnh đó, tỉnh cần đổi mới các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh đang có nhu cầu.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

“Dự báo thời gian tới, khi dòng vốn đầu tư có những biến động, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư của các địa phương song VCCI tin tưởng với tinh thần mới, khí thế mới, Hải Dương sẽ tạo được đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư”, ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu các lãnh đạo các sở, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cần thẳng thắn, khách quan để nhìn nhận những hạn chế, yếu kém và quyết tâm thay đổi để khắc phục. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, vấn đề then chốt là phải có sự chuyển biến tích cực từ yếu tố quan trọng nhất là “con người” và khâu tổ chức thực hiện với phương châm "Cấp ủy, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp".

Các sở, ngành địa phương cần rà soát, ban hành và tuân thủ quy chế làm việc. Chấn chỉnh, nâng cao tinh thần, thái độ làm việc, trách nhiệm của cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cơ sở; nhất là trong các ngành, lĩnh vực trực tiếp cung cấp thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng cố tình gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phát huy tinh thần “nhà nước đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp”.

UBND tỉnh cần khẩn trương xây dựng, phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập để triển khai thực hiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DCCI) nhằm đánh giá khách quan, công khai, minh bạch năng lực điều hành kinh tế, chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành, địa phương cũng phải công khai, minh bạch, cung cấp kịp thời trình tự, thủ tục hành chính, quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng huyện tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp; hiện đại hóa các thủ tục hành chính qua chính quyền điện tử. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, UBND tỉnh luôn xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Theo đó, ngay sau hội nghị này, UBND tỉnh sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể; trong đó phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu cụ thể. Tập trung hướng tới việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm huy động và phát huy tối đa nguồn lực đầu tư tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp