Hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai sửa đổi

Đất Đai QUỐC HỘI
11:48 - 18/01/2024
Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế chia sẻ tại họp báo.
Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế chia sẻ tại họp báo.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 18/1, Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 (trừ một số điều khoản cụ thể). Có rất nhiều điểm mới trong Luật này, theo hướng phát huy hiệu quả sử dụng đất, hài hoà lợi ích giữa các bên.

Chia sẻ cụ thể hơn về những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) tại họp báo ngay sau phiên bế mạc sáng 18/1, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế cho biết, nếu liệt kê chi ly từng điều khoản thì có hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên từ quá trình tham gia nghiên cứu, xây dựng, cá nhân ông khu trú lại có 5 nhóm vấn đề, nội dung mới.

Một là liên quan đến các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Nhóm này có rất nhiều quy định, với một vấn đề được bàn luận nhiều như mở rộng quyền sử dụng đất đối với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư, sinh sống ở nước ngoài; hay chính sách đất đai với đồng bào dân tộc...

Nhóm thứ hai là liên quan đến tiếp cận đất đai với người dân và doanh nghiệp, cũng có rất nhiều quy định mới. Như Điều 79 về thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh. Nội dung này được thiết kế mới, thể chế hoá Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết... Mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thoả thuận sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất, đó là các dự án lấn biển; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn lực đất đai xây dựng nhà ở xã hội...

Nhóm thứ ba là nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Điểm mới nổi bật là đất kết hợp sử dụng đa mục đích; khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì giới hạn, thu hẹp các trường hợp phát sinh. Hay vấn đề nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

Nhóm thứ tư là vấn đề tài chính đất đai, quan điểm là tách bạch giữa định giá đất và chính sách hỗ trợ sử dụng đất; có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.

Nhóm cuối cùng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với sử dụng đất đai, với rất nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... Theo ông Hiếu, quan trọng nhất trong nhóm nội dung này là thông tin dữ liệu đất đai; có cơ chế huy động, tạo thuận lợi sự tham gia của người dân, các định chế chính trị xã hội giám sát việc thực thi cũng như xây dựng các chính sách về quản lý, sử dụng đất đai.

Đại diện Ủy ban Kinh tế chia sẻ thêm, cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu, giải trình phải đối diện những thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai. Trước hết là yêu cầu cao từ Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cử tri; đòi hỏi tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng tất cả các ý kiến nhưng thời gian vật lý lại không nhiều.

“Một dự án luật 50 điều khoản có thể không phải là vấn đề, nhưng với một đạo luật tới 260 điều như Luật Đất đai, đôi khi nghiên cứu 1 ý kiến đại biểu đã phải mất nửa buổi, chưa kể thiết kế, chỉnh lý phương án. Để ‘hoá giải’ thách thức lớn đó không có cách nào khác là Ủy ban Kinh tế phải tăng cường nhân sự làm liên tục, quyết tâm nỗ lực cao hơn để đáp ứng kỳ vọng của cử tri”, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu, quan hệ đất đai có tính chất rất đặc biệt, luôn tồn tại lợi ích 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất đai. Đôi khi lợi ích giữa các bên cũng không đồng nhất, doanh nghiệp thì mong muốn giá thấp, còn người có đất mong giá cao. Do đó, việc giải quyết câu chuyện cân bằng lợi ích các bên là vấn đề khó và cũng rất khó làm cho tất cả các bên hài lòng ở mức cao nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.