Hình ảnh về một ngôi sao đang chết cách Trái đất 2.600 năm ánh sáng

Không gian THẾ GIỚI
17:26 - 05/08/2023
Hình ảnh Tinh vân Chiếc nhẫn được gửi về bởi kính viễn vọng James Webb. Ảnh: Đại học Manchester
Hình ảnh Tinh vân Chiếc nhẫn được gửi về bởi kính viễn vọng James Webb. Ảnh: Đại học Manchester
0:00 / 0:00
0:00
Thông qua kính viễn vọng James Webb, các nhà khoa học có thể đạt được góc nhìn mới vô cùng chi tiết về một trong những thiên thể luôn nhận được sự yêu thích của công chúng  – Tinh vân Chiếc nhẫn. 

Theo CNN, các hình ảnh mới nhất ghi lại những chi tiết chưa từng thấy của Tinh vân Chiếc nhẫn – một tinh vân đầy màu sắc thuộc chòm sao Lyra cách Trái đất khoảng 2.600 năm ánh sáng.

Cấu trúc của thiên thể này đã được quan sát và nghiên cứu trong nhiều năm. Do đó với những hình ảnh mới nhất mà kính viễn vọng James Webb gửi về, các nhà khoa học có thể đạt được thêm hiểu biết về nó.

Chia sẻ cảm xúc về những hình ảnh mới này, nhà vật lý thiên văn Jan Cami - thành viên cốt lõi của Dự án Chụp ảnh Tinh vân Chiếc nhẫn JWST và đồng thời là một giáo sư vật lý và thiên văn học, cho biết ông nhìn thấy Tinh vân Chiếc nhẫn lần đầu qua kính viễn vọng khi còn là một đứa trẻ.

Ông không bao giờ tưởng tượng được rằng mình “sẽ là thành viên của nhóm và sử dụng kính viễn vọng không gian mạnh nhất từng được chế tạo để quan sát vật thể này”.

Về mặt khoa học, ông cho biết những hình ảnh mới nhất này có thể giúp các nhà khoa học giải đáp được những câu hỏi liên quan tới cơ chế và phương thức một ngôi sao biến lớp vỏ ngoài của mình thành hỗn hợp các phân tử đơn giản và phức tạp cũng như các hạt bụi.

Trong khi đó, ông Mike Barlow - giáo sư danh dự về vật lý và thiên văn học của Đại học College London, đồng thời là nhà khoa học chính của nhóm nghiên cứu JWST - cho biết: “Kính viễn vọng Không gian James Webb đã cung cấp cho chúng tôi một cái nhìn phi thường về Tinh vân Chiếc nhẫn mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”.

Ông nhận định những hình ảnh có độ phân giải cao không chỉ hiển thị các chi tiết phức tạp của lớp vỏ đang mở rộng của tinh vân mà còn tiết lộ khu vực bên trong ở xung quanh sao lùn trắng một cách rõ ràng.

“Chúng ta đang chứng kiến những chương cuối cùng trong cuộc đời của một ngôi sao và cũng có thể coi nó như một bản xem trước về tương lai xa xôi của Mặt trời. Những quan sát của JWST đã mở ra một cánh cửa mới để hiểu những sự kiện vũ trụ đầy cảm hứng này. Chúng ta có thể sử dụng Tinh vân Chiếc nhẫn làm phòng thí nghiệm để nghiên cứu cách các tinh vân hành tinh hình thành và phát triển”, ông cho biết.

Tinh vân Chiếc nhẫn được phân loại là một tinh vân hành tinh do có cấu trúc tròn và giống với các đĩa mà các hành tinh hình thành. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không có liên quan tới bất kỳ hành tinh nào. Trên thực tế, nó là nơi chứa đựng tàn dư của một ngôi sao sắp chết đang giải phóng phần lớn khối lượng của mình.

Cận cảnh phần phía nam của quầng ngoài - một phần nằm bên ngoài vòng chính của Tinh vân Chiếc nhẫn. Ảnh: Đại học Manchester

Cận cảnh phần phía nam của quầng ngoài - một phần nằm bên ngoài vòng chính của Tinh vân Chiếc nhẫn. Ảnh: Đại học Manchester

Cận cảnh một phần của tinh vân cho thấy nó bao gồm 20.000 cụm hydro phân tử, mát hơn và đặc hơn nhiều so với phần còn lại của tinh vân. Khoảng một nửa lượng khí của tinh vân nằm ở các cụm này. Ảnh: Đại học Manchester

Cận cảnh một phần của tinh vân cho thấy nó bao gồm 20.000 cụm hydro phân tử, mát hơn và đặc hơn nhiều so với phần còn lại của tinh vân. Khoảng một nửa lượng khí của tinh vân nằm ở các cụm này. Ảnh: Đại học Manchester

Ảnh cận cảnh hơn về quầng sáng của tinh vân. Ảnh: Đại học Manchester

Ảnh cận cảnh hơn về quầng sáng của tinh vân. Ảnh: Đại học Manchester

Đọc tiếp