Bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN |
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã quyết định hoãn chưa thông qua hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chia sẻ về nội dung này tại họp báo sáng 29/11 công bố kết quả Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc tạm lùi chưa thông qua này thể hiện tinh thần “cẩn trọng, trách nhiệm”, vì trong quá trình thảo luận, còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, cần có thời gian để xem xét kỹ lưỡng, đánh giá kỹ những tác động chính sách.
“Việc chưa thông qua hai dự án luật này thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, làm sao để khi luật ban hành phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, đảm bảo tính bền vững và không xảy ra xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Do đó rất cần để lại, không phải vì phải thông qua tại kỳ họp này mà đại biểu cứ nhất trí bấm nút. Sự cẩn trọng là cần thiết, Quốc hội sẽ thông qua (các Luật này - pv) vào thời điểm thích hợp”, ông Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội thông tin thêm, nội dung này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền và có thể sẽ được xem xét tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2024, cùng một số nội dung cấp bách khác theo đề nghị của Chính phủ.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN |
Liên quan đến vấn đề tài chính đất đai, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, trong 6 vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu tại Luật Đất đai (sửa đổi) có vấn đề định giá đất. Đây là nội dung rất phức tạp, dự thảo đang đưa ra nhiều phương pháp, mỗi phương pháp lại phù hợp trong mỗi điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Vì vậy cần phải có sự nghiên cứu, rà soát.
“Lựa chọn cuối cùng phải trên cơ sở vừa giải quyết được vướng mắc hiện nay nhưng cũng phù hợp thực tiễn lâu dài, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Lâm nêu tinh thần.
Nói thêm về việc hoàn thiện hai dự án luật trên, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tới thời điểm hiện nay, ngoài vấn đề đã thống nhất các phương án chỉnh sửa vẫn còn tồn tại một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các phương án tối ưu.
Cụ thể là: Về thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗ hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận nhận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước;
Vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp và điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản...
Với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 lần, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, gồm 3 vấn đề hết sức quan trọng: Can thiệp sớm; kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng.
“Đây là các vấn đề hết sức trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung, liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực Nhà nước”, bà Phạm Thị Hồng Yến nói.