ILO: Sửa đổi Luật BHXH cần hướng tới bảo vệ người lao động tốt hơn

BHXH Việt nAM
13:59 - 01/04/2022
Cần chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân. Ảnh: VnExpress.
Cần chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân. Ảnh: VnExpress.
0:00 / 0:00
0:00
Trên cơ sở các cuộc tham vấn, tiếp nhận ý kiến của người lao động về Luật Bảo hiểm xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng một hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng hướng đến quyền lợi của người lao động nhiều hơn.

Tăng cường bảo vệ người lao động phải là một yếu tố chính trong quá trình cải cách Luật Bảo hiểm xã hội (2014) của Việt Nam. Đây là nhận định của ILO trong việc tham vấn sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội của Việt Nam.

Trên cơ sở các mối quan tâm và ưu tiên của các đối tác ba bên (Chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động), ILO nhấn mạnh, để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, cần phải tiếp tục ưu tiên xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng thực sự, với việc tăng cường bổ sung và tích hợp giữa các cột trụ đóng góp (từ tiền đóng bảo hiểm của người lao động và người sử dụng lao động) và cột trụ phi đóng góp (do ngân sách Nhà nước chi trả).

Trước đó, trong tháng 3/2022, ILO đã tổ các chức cuộc tham vấn giữa tổ chức này và đại diện người lao động tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam liên quan đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam.

Là một cán bộ công đoàn trực tiếp thực hiện các chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, đưa ra ý kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An đã chỉ ra những bất cập về diện bao phủ và quy mô tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại địa phương còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động.

“Chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ để thực sự đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội”, bà Cúc cho biết.

Theo bà Cúc, chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ hưu trí và tử tuất, một thời gian dài không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Để người lao động được hưởng lợi tốt hơn từ BHXH, bà Cúc kiến nghị, giảm số năm đóng làm điều kiện để người tham gia BHXH được hưởng lương hưu xuống còn 10 năm nhằm hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.

Còn bà Huỳnh Thị Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP. Cần Thơ lại đề xuất mức đóng BHXH nên phân thành 3 nhóm đối tượng là lực lượng có thu nhập ổn định, lao động phi kết cấu và công nhân lao động. Chính sách BHXH tự nguyện nên bổ sung chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp để người tham gia được chăm lo, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Thông qua các cuộc tham vấn này, ILO đã lắng nghe và thảo luận về những yêu cầu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Với mục tiêu hướng tới là khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại, ILO cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phải bảo vệ lợi ích của người lao động nhiều hơn nữa.

Ảnh tác giả

“Để đạt được những mục tiêu đề ra, sẽ không chỉ đòi hỏi đối thoại xã hội và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, mà còn cần sự gia tăng đáng kể đầu tư của Chính phủ vào an sinh xã hội”.

Ông André Gama, Phụ trách chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam

Ông André Gama, Phụ trách chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam khẳng định, hướng đi như vậy sẽ giúp Việt Nam có thể cung cấp an sinh xã hội cho những nhóm lớn dân số hiện không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình an sinh xã hội nào, đặc biệt là những người lao động phi chính thức ở khu vực được gọi là “nhóm ở giữa bị bỏ quên”.

“Khoản đầu tư này không chỉ được xem là cần thiết để hỗ trợ các nhóm dân số cần được tiếp cận an sinh xã hội, mà còn là động cơ chính, bền vững và bao trùm để phát triển kinh tế cho Việt Nam trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 bằng cách tập trung vào tài sản quý giá nhất, đó chính là con người Việt Nam”, ông André Gama nhấn mạnh.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 12/2022 của Quốc hội khóa XV, thông qua vào tại kỳ họp tháng 5/2023 và có hiệu lực từ 1/1/2024.

Đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Hơn 3,1 triệu người trong số đó đang được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội hàng tháng; 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí. Còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng 70,1%.

Tin liên quan

Đọc tiếp