FPT là mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường phiên 18/7. |
Phiên 18/7, nhà đầu tư khá hồi hộp khi theo dõi chỉ số chứng khoán Việt Nam. VN-Index mở cửa trong sắc xanh, diễn biến giằng co rồi có thời điểm giảm về sát mốc 1.260 điểm. May mắn là những phút cuối, dòng tiền mua đã kịp thời ứng cứu giúp chỉ số phục hồi.
Kết phiên, VN-Index tăng gần 6 điểm lên mốc 1.274,44 điểm. HNX-Index tăng gần 2 điểm còn UPCoM tăng 0,34 điểm. Thanh khoản sụt giảm so với phiên bùng nổ hôm qua, đạt hơn 19.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.
Khối ngoại có phiên mua ròng thứ hai liên tiếp và việc mua ròng đã quyết liệt hơn, thể hiện ở giá trị 967 tỷ đồng trên sàn HoSE. Hai mã ngân hàng được mua ròng mạnh nhất, gồm HDB 493 tỷ đồng và STB 344 tỷ đồng. SAB, MWG, SCS cũng được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Danh sách còn có CTG, POW, HVN, HPG 30-54 tỷ đồng…
Chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất 352 tỷ đồng. Kế đến là MSN 122 tỷ đồng; DGC, VPB, VHM, VND trên 30 tỷ đồng; CTR, SSI, BID, VIC trên 20 tỷ đồng…
VN30 tăng hơn 1 điểm với đa phần các mã kết phiên trong sắc xanh. Trong đó, PLX diễn biến tích cực với tỷ lệ +5,6%. MWG, POW, VRE tăng hơn 2%; ACB, BID, BVH, CTG, GVR, MBB tăng hơn 1%.
Chiều giảm, tác động tiêu cực nhất đến thị trường là FPT, với mức giảm hơn 3%. Sau khi vươn lên vùng đỉnh sát 140.000 đồng/cp vào đầu tháng 7 vừa qua, mã gặp áp lực chốt lời và hiện lùi về mức giá 127.900 đồng/cp.
FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu đạt 29.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.198 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ. Như vậy tính riêng trong quý 2/2024, lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 2.664 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng đều đặn của FPT là nền tảng để cổ phiếu giữ giá trên thị trường. Tuy nhiên đà tăng nóng của cổ phiếu công nghệ thời gian qua khiến nhóm này bắt đầu giảm dần sức hút.
Ngoài ra, các bluechip ở chiều giảm khác là HDB, MSN, VIB, VIC, với mức giảm nhẹ.
Do sự tiêu cực của FPT nên nhóm công nghệ cũng dẫn đầu chiều giảm. Cùng chiều là nhóm vận tải kho bãi, với HVN tiếp tục giảm sâu 3,4% về mức giá 28.100 đồng/cp. Hai phiên trước, cổ phiếu của Vietnam Airlines đều giảm sàn. Nếu nhà đầu tư mua vào HVN vào đầu tháng 7 thì giờ đã tạm lỗ hơn 20%.
Nhìn lại sóng tăng của cổ phiếu công nghệ, có mã đã tăng gấp 4 lần Từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm cổ phiếu công nghệ chiếm lĩnh vị trí ngôi sao trên thị trường chứng khoán khi đua nhau vượt đỉnh. Hầu hết các mã đã tăng hàng chục phần trăm, thậm chí có mã còn tăng gấp 4 lần chỉ sau thời gian ngắn. |
Các nhóm ngành còn lại đều kết phiên trong sắc xanh. Tích cực là nhóm nông nghiệp với HAG +4,2%, HNG +2,4%; nhóm bán lẻ với MWG +2,4%, DGW +2,3%, PNJ và FRT tăng nhẹ; nhóm phân bón với DCM +3%, DPM +2%, LAS +9%, BFC +5,2%, CSV +6,3%; nhóm thủy sản với CMX +3,8%, ANV +2,8%, FMC +1,5%, IDI +1,4%, ASM +1,8%, VHC +0,8%...
Nhóm ngân hàng ghi nhận đa số các mã ở chiều tăng, tuy nhiên tỷ lệ điều chỉnh không lớn. Tăng mạnh nhất là PGB +1,8%, MBB +1,6%, CTG +1,4%, ACB +1,2%...
Nhóm chứng khoán cũng có diễn biến tương tự. SSI, SHS, HCM, VND tăng nhẹ; VIX tăng hơn 2%, VCI tăng 1,6%. Tăng đột biến là APS +8,5%, lên mức giá 7.700 đồng/cp. Công ty chứng khoán “họ APEC” vừa báo lãi sau thuế 27 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo APEC, kết quả kinh doanh đi lên nhờ biến động tích cực của thị trường chứng khoán. Tài sản tài chính đang nắm giữ bị đánh giá giảm trong quý 2/2023 đã khởi sắc trong quý 2/2024. Đây cũng là quý lãi thứ hai liên tiếp của APS.
Tại nhóm xây dựng và bất động sản, đa số các mã cũng ở chiều tăng. Các mã tăng đáng kể là TCH +2,4%, HDG +5%, VRE +2%, PC1 +2,3%, NVL +2,1%, DXG +4,4%, LHG +4,2%, HDC +2,5%, AGG +2,6%, TCD +6,1%, DTD +5,4%... VHM, DIG, PDR, KOS, BCM, NLG tăng nhẹ. Đáng chú ý, HBC mở cửa phiên sáng đã tăng trần, sau đó hạ nhiệt nhưng kết phiên vẫn đạt mức tăng 6,6%, lên giá 8.100 đồng/cp.
Cổ phiếu của Xây dựng Hòa Bình diễn biến tích cực sau khi công ty ghi nhận quý lãi kỷ lục. Theo báo cáo tài chính quý 2/2024, HBC đạt 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với quý 2/2023 lỗ 268 tỷ đồng. Kết quả này phần lớn là nhờ đóng góp từ khoản lợi nhuận 515 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.