Kiến nghị áp dụng nộp đơn khởi kiện trực tuyến để số hóa ngành tư pháp

số hóa Tư pháp
17:00 - 20/03/2023
Diễn đàn pháp luật thường niên 2023. Ảnh: TTXVN.
Diễn đàn pháp luật thường niên 2023. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Khung pháp lý về chuyển đổi số luật tố tụng của Việt Nam đã có, tuy nhiên chưa được phổ biển, đại diện Đoàn Luật sư TP Hà Nội kiến nghị cần áp dụng rộng rãi để có hệ thống tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp.

Tại Diễn đàn pháp luật thường niên 2023 với chủ đề: Chuyển đổi số trong ngành tư pháp, ngày 20/3, LS.TS Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã nêu các kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước trong áp dụng chuyển đổi số trong quy trình tố tụng và so sánh với Việt Nam.

"Tại Mỹ, cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến được triển khai trong việc giải quyết các tranh chấp đơn giản. Tòa án Pháp sử dụng hệ thống E-Barreau để các bên liên quan có thể truy cập dữ liệu liên quan đến quá trình tố tụng xử lý các vụ kiện”, ông Chuyền nói.

Thực tế tại Việt Nam, khung pháp lý về chuyển đổi số trong quá trình tố tụng cũng đã có nhưng chưa trở nên phổ biến. Cụ thể, Luật sư Đào Ngọc Chuyền chỉ ra, Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã chỉ ra có cơ chế cho phép đương sự được thực hiện nộp đơn khởi kiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án.

Điều 191 cũng quy định cách thức tiếp nhận, xử lý đơn và phản hồi kết quả xử lý cho người nộp đơn thông qua cổng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Chuyền nhìn nhận, ngoài việc chấp thuận thụ lý đơn khởi kiện nộp qua bưu tín có bảo đảm, việc nộp đơn khởi kiện trực tuyến vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống cơ quan tư pháp xét xử của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam là một nước có dân số trẻ, số lượng người người sử dụng Internet lớn, với 72 triệu người vào năm 2022, chiếm 73.2% tổng dân số, nên dễ dàng tiếp nhận những thông tin và xu hướng mới.

"Mặc dù chuyển đổi số hiện nay đã lan rộng đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống và nền kinh tế, nhưng vẫn còn không ít cán bộ, công chức chưa nhận thức được đúng đắn, đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này. Điều này dẫn đến sự hời hợt, thiếu bài bản khi hoạch định chiến lược và triển khai”.

LS. TS. Đào Ngọc Chuyền, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Do đó, Luật sư Đào Ngọc Chuyền kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng thể chế theo hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng rộng rãi điều 190, 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Ngoài ra, ông Chuyền cũng kiến nghị đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện và duy trì hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai thực hiện khai thác sử dụng hiệu quả các phần mềm, ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành tư pháp: Phần mềm quản lý văn bản điều hành, phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý lý lịch tư pháp, phần mềm thống kê ngành tư pháp.

Chuyển đổi số hướng đến xây dựng hệ thống tư pháp hiện đại

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ/ngành tư pháp xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Do đó, Bộ Tư pháp đã ban hành các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện các chính sách, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.

Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp thường xuyên được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp. Cho đến nay, toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, với các dịch vụ công thiết yếu như: Đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng thừa nhận, chuyển đổi số là vấn đề còn mới đối với nhiều cơ quan, tổ chức và người dân. Do đó, quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành tư pháp gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ, hạn chế về nhân lực, hạ tầng công nghệ số và nguồn lực.

Cùng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi khẳng định, UNDP tin rằng chuyển đổi số có thể góp phần đạt được các mục tiêu xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người. Những sáng kiến tư pháp điện tử được thiết kế tốt có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý một cách hiệu quả cho người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số ngành tư pháp của EU, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberty cho biết, cách tiếp cận của EU là sử dụng tốt hơn các công nghệ kỹ thuật số, hoàn toàn tôn trọng các quyền cơ bản.

“Tiếp cận công lý cần phải bắt kịp với sự phát triển của xã hội, bao gồm cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Đồng thời, cần có những nỗ lực phối hợp để hưởng lợi đầy đủ từ các công nghệ kỹ thuật số trong thủ tục tố tụng tư pháp, bao gồm cả hợp tác tư pháp xuyên biên giới”, ông Giorgio Aliberty chia sẻ.

Diễn đàn pháp luật thường niên là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, được tổ chức nhằm cập nhật và chia sẻ thông tin về những thành tựu, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách pháp luật hiện nay.

Diễn đàn thường niên này được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu, UNDP, và UNICEF đồng tài trợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp