Kinh tế thế giới nhiều bất ổn, chuyên gia quốc tế khuyến nghị gì với Việt Nam?

KINH TẾ Quốc Tế
19:34 - 18/09/2022
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp kinh tế bất ổn, các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan khi dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên đến 7% - mức tăng trưởng tương đối ấn tượng so với các nền kinh tế phát triển khác trong năm 2023.

Chia sẻ tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022, Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào chia sẻ, thế giới đang chứng những diễn biến phức tạp với những cú sốc kinh tế toàn cầu như lạm phát tăng cao, triển vọng kém tích cực của một số nền kinh tế và tình hình địa chính trị phức tạp tại Nga - Ukraine.

Trong khi đó, Việt Nam đang khôi phục kinh tế ấn tượng, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2023 lên đến 7%. Tuy nhiên, ông Francois Painchaud nhận thấy, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn có những rủi ro, lạm phát có thể sẽ còn tăng nhanh. Sự hồi phục của Việt Nam sẽ gặp phải trở ngại do tăng trưởng toàn cầu chậm lại với điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Do đó, trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào khuyến nghị chính sách tiền tệ cần phải rất cẩn trọng trước những rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng bởi những động lực chính sách giúp kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, để có thể đạt hiệu quả nhất, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các chính sách và công cụ tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp can thiệp ngoại hối thực hiện nhất quán.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào.

Về phía Phòng Thương mại Hoa kỳ (Amcham), ông Adam Sitkoff- Giám đốc điều hành nhận định, "dữ liệu" sẽ là yếu tố quan trọng nhất đối với kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo phân tích của ông Adam Sitkoff, có một thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ đầu tư tiền của họ vào những nơi mà họ cho rằng đang hoạt động tốt, an toàn và họ nắm rõ được các chính sách của quốc gia đó. Do đó, cần thiết phải xây dựng một hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia đầy đủ, rõ ràng, thông suốt.

Đơn cử như định nghĩa về "doanh nghiệp địa phương", được hiểu là các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Việt Nam, nhưng đối với nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp thì họ lại hiểu rằng đó cũng có thể là các doanh nghiệp nước ngoài nhưng hoạt động và đặt văn phòng tại Việt Nam. Đây chính là những thứ chưa được rõ ràng.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, đề cập đến kinh tế số, theo đại diện Amcham thì các chính sách của Việt Nam hiện nay đang gây khó khăn cho pháp luật về an ninh mạng và sự chuyển dịch dữ liệu. Các doanh nghiệp hoàn toàn không thể tính toán được các chi phí để doanh nghiệp có thể hoạt động được ở Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff bày tỏ mong muốn nhìn thấy những chính sách, hệ thống pháp lý rõ ràng hơn, đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Đáp ứng được những điều này, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng toàn bộ lợi thế của mình nhằm thu hút dòng vốn FDI chảy vào một cách mạnh mẽ.

Trong khi đó, trong khuôn khổ hội thảo, gợi ý chính sách cho Việt Nam, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thông tin, vào cuối năm 2021, JETRO đã khảo sát hơn 1.700 công ty Nhật Bản và nhận thấy rằng, Việt Nam xếp thứ hai trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng, Trung Quốc đứng thứ ba.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Song, các công ty FDI mong muốn Việt Nam có nhiều cải thiện hơn nữa trong các chính sách, cụ thể:

Thứ nhất là đảm bảo nguồn nhân lực. Ông Takeo Nakajima nhấn mạnh, vấn đề cấp bách đối với các doanh nghiệp FDI là tuyển dụng. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu chính quyền địa phương khuyến khích đào tạo công nhân và cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại; đồng thời đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho sản xuất; bên cạnh đó, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, các công ty đang rất cần những trung tâm về logistic cũng như là các trung tâm dữ liệu.

Thứ hai là nâng cao năng lực doanh nghiệp, cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra thời gian qua đã khiến hoạt động đầu tư, sản xuất của Việt Nam chịu nhiều tác động vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng và hợp tác toàn cầu. Do đó, đòi hỏi các địa phương cần đa dạng hóa năng lực sản xuất, mạng lưới cung ứng, đặc biệt tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đại diện JETRO khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp