Kinh tế trưởng ADB: Điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng

tiền tệ Việt nAM
23:32 - 27/10/2022
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia ADB, việc Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, nới rộng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% là hoàn toàn phù hợp, góp phần ổn định điều kiện vĩ mô cho tăng trưởng trung và dài hạn.

Chia sẻ trong cuộc trao đổi diễn ra ngày 27/10 tại Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định, kinh tế Việt Nam đạt được những tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm nhờ nền tảng vĩ mô ổn định cũng như thành công trong việc khống chế dịch bệnh đã tạo tiền đề phát triển cho nền kinh tế.

Sự phục hồi và tăng trưởng này tương đối đồng đều ở tất cả các động cơ tăng trưởng, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, trong khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.

Yếu tố bên ngoài tác động rõ nét tới Việt Nam

Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh, với độ mở kinh tế lớn, những tác động bên ngoài đối với Việt Nam càng ngày càng rõ nét.

Đầu tiên, ông Cường cho rằng, lạm phát gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phát triển đã buộc các nước này phải đi đến lựa chọn khắc nghiệt thắt chặt chính sách tiền tệ.

Điều này tác động ngay đến các quốc gia châu Á, gây ra tình trạng lạm phát nhập khẩu, với lạm phát ở hầu hết các nước trong khu vực đều tăng, kết hợp với tác động từ việc tăng giá lương thực, tăng giá xăng dầu.

Thứ hai, về tỷ giá, việc USD tăng khiến một loạt các đồng nội tệ mất giá rất mạnh. Thực tế, mức độ mất giá của đồng tiền Việt Nam so với các quốc gia khác tương đối thấp nhưng không thể phủ nhận vẫn gây sức ép ngày càng lớn đến dự trữ ngoại hối.

Về xuất khẩu, đồng tiền Việt Nam tương đối ít mất giá so với đồng USD nhưng lại tăng so với đồng tiền của hầu hết các đối tác thương mại cạnh tranh thương mại trực tiếp với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Philippines.

Trong bối cảnh đó, ông Cường đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, nới rộng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% là hoàn toàn phù hợp, góp phần ổn định điều kiện vĩ mô cho tăng trưởng trung và dài hạn.

"Thời gian tới, Việt Nam cần linh hoạt, tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá và tăng lãi suất với mức độ thích hợp.", ông Cường lưu ý.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh Việt Nam siết chặt chính sách tiền tệ, thì chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công cần là chỗ dựa vững chắc cho tăng trưởng.

Năm 2022 và những năm tiếp theo, các kịch bản điều hành được xây dựng trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư công, làm vốn mồi tạo cú huých đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Thực tế, đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 vì cứ tăng được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, cao hơn so mức lan toả của trước khi có đại dịch - năm 2019, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 vốn đầu tư xã hội.

Bên cạnh tính dẫn dắt và lan toả, bản thân đầu tư công cũng đóng góp không nhỏ đến tăng trưởng. Theo tính toán, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so năm trước có tác dụng giúp GDP tăng thêm 0,058%.

Đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025

Đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025

2 thách thức của Việt Nam: Tăng trưởng xanh và sự thiếu vắng các tập đoàn mạnh

Cũng trong khuôn khổ buổi thảo luận, ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc Quốc gia ADB đề cập đến những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh hai vấn đề.

Thứ nhất, sự thiếu vắng khu vực tư nhân có tính cạnh tranh đã làm giảm năng suất và hiệu quả của Việt Nam. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao để đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao đòi hỏi phải có một khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu bao gồm các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việt Nam thiếu các tập đoàn trong nước với quy mô vừa và lớn để hỗ trợ và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ông Keiju Mitsuhashi cho rằng, các vấn đề về chính sách, việc chậm cải cách DNNN; thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển; và thiếu khả năng tiếp cận tài chính, đất đai và lao động có tay nghề, tất cả đã góp phần làm giảm sự phát triển của khu vực tư nhân.

Thứ hai, Việt Nam đang đối mặt với thách thức kép của việc đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh đồng thời gắn với quá trình phi carbon hóa.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam liên tục tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tăng trưởng nhu cầu điện năng vào khoảng 10,3%-11,3% mỗi năm trong giai đoạn 2016–2020, và dự kiến ở mức 8,0%–8,5% hàng năm trong giai đoạn 2021-2030. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh, Việt Nam đã dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, lượng phát thải khí carbon dioxit (CO2) đã tăng với tốc độ nhanh là 7,9% hàng năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế (6,5%−7,0% hàng năm).

Do vậy, theo chuyên gia ADB, cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng không của Việt Nam đòi hỏi phải thiết kế lại chiến lược phát triển ngành điện, bao gồm việc chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường.

Thông tin tại buổi thảo luận, ông Mitsuhashi cho biết, ADB đã xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) cho Việt Nam, trong đó mô tả những lĩnh vực mà ADB sẽ tham gia để hỗ trợ cho Việt Nam.

Mục tiêu của CPS là đảm bảo sự phù hợp và hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, ưu tiên các nội dung về tăng trưởng xanh, phát triển khu vực tư nhân, chuyển đổi số và những lĩnh vực khác nhằm giúp Việt Nam thực hiện hoài bão trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, ông Misuhashi cho biết.

Ngoài sự hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ADB cũng sẽ tích cực kề vai sát cánh cùng Việt Nam trong việc thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ông Mitsuhashi khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.