Lãi suất huy động: BIDV giảm tới 0,8%/năm, Vietinbank chưa có dấu hiệu giảm

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:42 - 17/03/2023
Ảnh: Sơn Quách.
Ảnh: Sơn Quách.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước bao gồm BIDV, Vietcombank và Agribank vừa tiếp tục có động thái giảm lãi suất huy động, tuy nhiên lần này dành riêng cho các kỳ hạn của hình thức gửi online.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, mã: BID) là ngân hàng tiên phong điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày 16/3.

Đối với hình thức gửi online, tại kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất ngân hàng BIDV đã giảm 0,7%/năm, xuống mức 7,2%/năm thay vì niêm yết ở mức 7,9%/năm như trước. Riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất ngân hàng này cũng đã giảm 0,5% từ mức 8,2%/năm xuống còn 7,7%/năm.

Đáng chú ý, từ kỳ hạn 15 tháng đến 36 tháng, lãi suất huy động tại BIDV đã giảm mạnh 0,8%, từ mức 8,2%/năm xuống còn 7,4%/năm.

Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã:VCB), so với tháng trước, mức lãi suất huy động tại kỳ hạn 24 tháng online của ngân hàng này đã giảm từ mức 7,4%/năm xuống 7,2%/năm.

Lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn khác vẫn giữ nguyên mức cũ. Cụ thể, kỳ hạn 1-3 tháng lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng lãi suất 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi suất 7,4%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng chỉ giảm nhẹ lãi suất tiền gửi online đối với kỳ hạn 12 tháng từ mức 7,6%/năm xuống 7,4%/năm. Lãi suất online các kỳ hạn khác tại Agribank không thay đổi so với trước.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 5,1%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 13-24 tháng là 7,4%/năm.

"Ông lớn" còn lại trong Big4 là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG) vẫn không có gì thay đổi và đang duy trì mức cao nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh.

Với tiền gửi online kỳ hạn 1-3 tháng lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12-24 tháng lãi suất lên đến 8,2%/năm, và kỳ hạn 36 tháng lãi suất 7,4%/năm.

Đối với hình thức gửi tại quầy, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng được cả 4 ngân hàng điều chỉnh giảm từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm. Trong khi các kỳ hạn từ dưới 12 tháng không thay đổi.

Tuy nhiên, tại kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất huy động của nhóm Big 4 có sự chênh lệch nhẹ với BIDV và Vietinbank là 5,9%/năm, trong khi Agribank và Vietcombank niêm yết ở mức 5,8%/năm.

Động thái giảm lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thời gian gần đây diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh giảm nhiều loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Vừa qua, các nhà băng cũng đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi nhằm giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Đặc biệt, nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.