Lệnh trừng phạt công nghệ lên Nga có thể phản tác dụng

CÔNG NGHỆ NGA
23:27 - 11/03/2022
Ảnh: Wikipedia
Ảnh: Wikipedia
0:00 / 0:00
0:00
Lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sang Nga có thể gây khó cho chính các nhà sản xuất bộ vi xử lý và linh kiện bán dẫn toàn cầu, do có nhiều thành phần quan trọng trong sản phẩm của các công ty này được sản xuất độc quyền tại Nga.

Theo ông Oleg Izumrudov, người đứng đầu Hiệp hội các nhà phát triển hệ thống lưu trữ dữ liệu (RosSHD) của Nga, lệnh cấm của phương Tây lên các thành phẩm công nghệ được xuất khẩu tới Nga có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa ngược lại. Nếu Nga cấm cung cấp các linh kiện sản xuất, thế giới sẽ chứng kiến sự thiếu hụt trầm trọng bộ vi xử lý.

Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất bộ vi xử lý máy tính và linh kiện lớn nhất thế giới thông báo sẽ tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Hiện một số nhà sản xuất công nghệ đã ngừng cung cấp sản phẩm cho Nga, trong đó bao gồm các nhà sản xuất chip lớn AMD và Intel của Mỹ. Đồng thời, tập đoàn chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC cũng đã cho ngừng việc sản xuất bộ vi xử lý Baikal và Elbrus của Nga tại nhà máy ở Đài Loan.

Tách Nga khỏi chuỗi cung ứng thế giới là chuyện gần như bất khả thi

Khi các gã khổng lồ công nghệ tuyên bố dần rời khỏi Nga, ông Izumrudov nói rằng các động thái trả đũa tiềm năng của Nga sẽ khiến “gần như toàn bộ thế giới không có sản phẩm vi điện tử”.

Cụ thể, chuyên gia này cho biết Nga chiếm tới 80% thị phần đế sapphire – một tấm nền mỏng làm từ đá nhân tạo. Điều quan trọng ở sản phẩm này chính là việc nó được sử dụng trong “mọi bộ vi xử lý trên thế giới”, trong đó bao gồm cả những sản phẩm do AMD và Intel sản xuất.

Thêm vào đó, vị thế của Nga thậm chí còn mạnh hơn trong lĩnh vực hóa khắc chip đặc biệt bằng cách sử dụng các thành phần siêu tinh khiết. Nga chiếm 100% nguồn cung cấp các nguyên tố đất hiếm khác nhau của thế giới được sử dụng cho các mục đích này. Do đó, các linh kiện sản xuất chất bán dẫn của Nga là không thể thay thế được.

Ông Izumrudov nhận định việc áp lệnh trừng phạt sản phẩm vi điện tử lên Nga mà không gây nên bất kì ảnh hưởng nào lên chuỗi cung ứng của thế giới là chuyện không khả thi. Các quốc gia sẽ không thể ngay lập tức thay thế các địa điểm sản xuất tấm nền của Nga bằng một nguồn tài nguyên và một địa điểm khác. Hơn nữa, các quốc gia hoàn toàn không có phương pháp nào có thể thay thế nguồn cung đất hiếm từ Nga.

Ví dụ, khung thời gian để đảm bảo chất lượng đế sapphire cho vi mạch là 30 năm sản xuất liên tục. Các nhà máy đủ điều kiện sản xuất sản phẩm này cần phải được đặt trong điều kiện gần như không có bất kỳ hoạt động địa chấn nào.

Điều này tương đồng với việc kể cả khi các doanh nghiệp cùng ngành tại California và Đài Loan có thể sản xuất ra sản phẩm tương tự, chất lượng và khối lượng sản phẩm sẽ kém hơn nhiều so với mức yêu cầu của ngành. Nguyên nhân là do các khu vực trên là các khu vực có ghi nhận các hoạt động địa chấn.

Thậm chí ngay cả trong trường hợp các quốc gia phương Tây thành công trong việc cắt đứt Nga khỏi các đối tác công nghệ hiện hành, quốc gia này vẫn còn một số phương án đề phòng để định hướng lại ngành.

Lắp ráp tàu vũ trụ Glonass-M. Ảnh: TASS
Lắp ráp tàu vũ trụ Glonass-M. Ảnh: TASS

Các phương án đề phòng

Lựa chọn đầu tiên là làm việc với Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) có trụ sở tại Trung Quốc và nhà máy AMEC của hãng. SMIC vẫn còn kém hơn TSMC, tuy nhiên “điều này chỉ là tạm thời”.

Ngoài ra, ông Izumrudov cũng nhận định Ấn Độ là một đối tác có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và vi điện tử nói riêng.

Chuyên gia này nhận xét: “Ấn Độ quan tâm tới việc gia nhập thị trường toàn cầu và quốc gia này có tất cả những yếu tố cơ bản và cần thiết, đặc biệt là nguồn nhân lực, cho việc này”. Số lượng người Ấn Độ trong ban lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ hàng đầu cũng như công ty startup trong lĩnh vực vi điện tử là rất đáng chú ý. Do đó, khả năng tương tác trong lĩnh vực công nghệ giữa Nga và Ấn Độ được đánh giá là “đầy hứa hẹn”.

Một lựa chọn thay thế thứ ba có thể sử dụng chính là nước Nga tự tạo ra công nghệ cho riêng mình. Ngoài các giải pháp thuần túy về mặt địa lý, Nga còn có thể tạo ra những cách tiếp cận công nghệ hoàn toàn mới trong việc sản xuất linh kiện bán dẫn.

Cụ thể, ông Izumrudov đề xuất thay thế silicon trong linh kiện bán dẫn bằng arsenide gali, một vật liệu được sử dụng trong quang học hồng ngoại và vi điện tử. Bằng cách sử dụng công nghệ này, Nga có thể tạo ra các kiến trúc chip 3D thay vì in wafer 2D hiện đang được sử dụng rộng rãi.

Hiện việc sản xuất công nghệ này đã được thiết lập tại thành phố Perm của Nga cho nhu cầu của Bộ Quốc phòng. Trong tương lai, công nghệ này có tiềm năng ứng dụng dân sự cao và các nghiên cứu về nó vẫn đang được tiến hành liên tục.

Đọc tiếp