Lộ diện các công ty chứng khoán lãi lớn nhất năm 2021

DOANH NGHIỆP Việt nAM
14:17 - 21/01/2022
Các công ty chứng khoán có một năm hoạt động sôi nổi.
Các công ty chứng khoán có một năm hoạt động sôi nổi.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán sôi động trong năm 2021 đã mang lại nguồn lợi lớn cho mảng dịch vụ tài chính, trực tiếp là các công ty chứng khoán. Tuy nhiên bên cạnh những đơn vị báo lợi nhuận tăng bằng lần thì cũng có những công ty đi ngược lại xu hướng.

Ngay sau khi nhóm cổ phiếu chứng khoán rơi vào đà bán tháo ồ ạt, các công ty chứng khoán đã đua nhau công bố tình hình kinh doanh khả quan năm 2021. Bức tranh lợi nhuận ngành dần lộ diện với sự phân hóa khá rõ.

VNDIRECT (VND) đạt 5.777 tỷ đồng doanh thu, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.178 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 36% so với kế hoạch kinh doanh điều chỉnh.

CTCK Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) ghi nhận doanh thu 5.195 tỷ đồng, tăng 59%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.810 tỷ đồng, tăng 42% so với 2020. Quý 4/2021, TCBS vào Top 5 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE với 5,28%. Trong năm 2021, TCBS tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu trên HoSE.

Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm ước đạt 3.350 tỷ đồng. Đây là con số lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp, vượt xa so với kế hoạch năm là 1.870 tỷ đồng và hơn gấp đôi so với kết quả 1.558 tỷ đồng của năm 2020.

Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) đạt 3.733 tỷ đồng doanh thu và 1.851 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 115% và 95% so với năm 2020; vượt 82% kế hoạch doanh thu và vượt 48% kế hoạch lợi nhuận.

Tổng tài sản của VCSC đạt 16.636 tỷ đồng tại cuối năm 2021, tăng 98% so với cuối năm 2020. Các khoản vay nợ tổng cộng là 8.327 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ. Tất cả các khoản nợ đều là nợ ngắn hạn và chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động cho vay ký quỹ.

Tăng trưởng lợi nhuận của các công ty chứng khoán top đầu.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) đạt doanh thu 2.895 tỷ đồng, tăng trưởng 60,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.753 tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm trước và đạt 233% mức kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) ghi nhận doanh thu thuần 3.368 tỷ đồng, tăng 112% so với năm 2020, vượt 26% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 117% so với năm 2020, vượt 19% kế hoạch.

Chứng khoán FPT (FPTS) đạt hơn 981 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm 260 tỷ đồng thì FPTS đã vượt 277% mục tiêu đề ra. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 đạt 846 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2020.

Chứng khoán VPS, công ty có thị phần môi giới lớn nhất trên HoSE năm 2021 vẫn chưa có công bố doanh thu và lợi nhuận hợp nhất quý IV và cả năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, VPS chỉ đạt lợi nhuận 751 tỷ đồng, trong khi doanh thu lên tới 6.648 tỷ đồng.

Chứng khoán MB (MBS) đạt 2.218 tỷ đồng doanh thu, 736 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 587 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tương ứng gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2020. So với kế hoạch lãi trước thuế 450 tỷ đồng, MBS đã hoàn thành vượt 64% chỉ tiêu đề ra.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) có tổng doanh thu hoạt động đạt trên 1.339 tỷ đồng, tăng trưởng 97% so với cùng kỳ. Lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 586 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Chứng khoán Rồng Việt (VDS) có tổng doanh thu đạt 1.039 tỷ đồng, vượt 97% so với kế hoạch năm 2021 và tăng trưởng 123% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 534,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 427,8 tỷ đồng; tương đương 297% kế hoạch năm 2021 và tăng trưởng 185% so với 2020.

Chứng khoán Smart Invest (AAS) đạt 958 tỷ đồng doanh thu, 472 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 2,36 lần so với kế hoạch điều chỉnh cả năm. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 378 tỷ đồng. Tổng tài sản của AAS tại thời điểm cuối năm là 1.645 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 so với năm trước đó. Nợ phải trả ở mức 431 tỷ đồng. Năm 2021, AAS lọt Top 5 mảng đầu tư trái phiếu.

Chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã chứng khoán ORS) ước đạt lợi nhuận kỷ lục 214,4 tỷ đồng, tăng hơn 140% so với 2020. Đây là mức kỷ lục lợi nhuận của TPS kể từ khi hoạt động kinh doanh. Trao đổi với truyền thông, Giám đốc Tài Chính TPS còn dự kiến cả quý I/2022, TPS có thể đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận - vượt con số cả năm 2021.

Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên HoSE năm 2021.

Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên HoSE năm 2021.

Việc các công ty chứng khoán báo lãi nghìn tỷ, gấp đôi, gấp ba năm trước không có gì đáng ngạc nhiên bởi trong năm 2021, thị trường chứng khoán thực sự bùng nổ. Với hơn 1,5 triệu tài khoản mở mới, thu nhập từ mảng môi giới đã tăng trưởng đáng kể. Đó là chưa kể thời gian qua, các công ty đều đẩy mạnh mảng cho vay ký quỹ giúp bổ sung thêm nguồn thu.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các công ty chứng khoán đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. Dù chưa có công ty nào báo lỗ trong năm 2021 nhưng nhìn vào báo cáo tài chính quý I,II,III/2021 có thể thấy vẫn còn những công ty đang cố gắng thoát lỗ, hoặc chỉ có thể đi lùi với kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí lỗ chồng lỗ.

Tổng hợp trên báo cáo tài chính quý III và 9 tháng năm 2021 tại HoSE cho thấy, có 10 công ty chứng khoán tiếp tục báo lỗ, như Chứng khoán Euro Capital (-3,3 tỷ đồng), Chứng khoán Global Captial (-3,6 tỷ đồng), Chứng khoán SJC (-1,8 tỷ đồng), Chứng khoán Phố Wall (-19 tỷ đồng)... Điểm tích cực là mức lỗ của hầu hết các công ty chứng khoán này đều đã giảm đáng kể so với mức thua lỗ cùng kỳ năm ngoái.

Một số công ty chứng khoán khác có mức tăng trưởng âm, kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ như Chứng khoán Alpha (lợi nhuận trước thuế giảm 82,5% so với cùng kỳ), Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam giảm 68% lợi nhuận, Chứng khoán Việt Thành (VTS) giảm 79% lợi nhuận.

Các công ty chứng khoán tại Việt Nam thường có ba nguồn thu chính là môi giới, cho vay margin và hoạt động tự doanh. Trong đó, hoạt động môi giới chỉ xếp sau tự doanh với tỷ lệ chiếm khoảng 20-23% và tăng trưởng đều theo từng năm. Bởi vậy, các công ty có thị phần môi giới cao sẽ đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn. Đồng thời, các công ty có vốn hóa cao, tiềm lực tài chính tốt cũng sẽ thúc đẩy mảng cho vay margin tốt hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.