Ảnh minh hoạ |
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2%.
Hai tháng qua, Việt Nam có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%). Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,4%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%.
Nhiều triển vọng tăng trưởng
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, các nhóm ngành xuất khẩu sẽ có sự hồi phục tích cực hậu đại dịch khi triển vọng tăng trưởng đến từ nhiều phía. Đầu tiên là việc Việt Nam tham gia sâu rộng vào hệ thống thương mại quốc tế.
Theo đó, số lượng hiệp định FTA của Việt Nam tăng nhanh kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007 và tính đến đầu năm 2022 đã có 15 hiệp định với các khu vực và đối tác thương mại lớn, mới đây nhất có thể kể đến như EVFTA, RCEP. Trong đó, hiệp định RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022, với thị các trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia... đóng góp tới 30% GDP toàn cầu.
Tiếp theo là sự phục hồi của hoạt động sản xuất. Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng tháng được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế) tháng 1 đạt 53,7 điểm – tăng so với mức 52,5 điểm trong tháng 12, nhờ lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh và sản lượng sản xuất cũng cải thiện hơn. PMI tháng 2 tiếp tục đạt 54,3 điểm, cao hơn tháng trước và là mức tăng tháng thứ tư liên tiếp.
Thêm nữa là nhu cầu tiếp tục tăng khi các thị trường như Mỹ, EU, với những gói kích thích kinh tế ở quy mô lớn kích thích nhu cầu tiêu dùng. Tại Mỹ, giá trị nhập khẩu tháng 1/2022 đạt mức kỷ lục 308,9 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 22,4% cùng kỳ năm trước, chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng ở mức cao là 113,8 điểm so với cùng kỳ là 88,9 điểm.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt như: Tăng giá nguyên vật liệu đầu vào; chi phí phòng chống dịch, chi phí logistics tăng cao; thị trường Trung Quốc tăng trưởng chậm lại với chính sách "zero Covid" sẽ tạo ra những ẩn số khó lường, đặc biệt với những mặt hàng giao thương lớn với thị trường này; xu thế bảo hộ thương mại…
Agriseco dự báo cán cân thương mại có thể đạt trạng thái xuất siêu trong năm 2022 nhờ sự hồi phục nền kinh tế toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 như đồ điện tử và linh kiện điện tử; xơ, sợi, dệt may; gỗ; cao su; thủy sản. Cụ thể, Agriseco phân tích hai nhóm ngành có nhiều đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu là thuỷ sản và dệt may.
Thuỷ sản
Xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,89 tỷ USD, tăng 6% so với 2020, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chịu sự ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 bùng phát khiến cho chi phí vận chuyển và phòng chống dịch tăng cao. Tháng 1/2022, mặc dù là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn ghi nhận mức tăng hết sức ấn tượng khi đạt 872,5 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Triển vọng đối với ngày thuỷ sản trong năm nay đến từ chính sách hỗ trợ (cho vay hỗ trợ lãi suất), cước vận tải biển hạ nhiệt và giá xuất khẩu các mặt hàng đang tăng tốt. Từ đây, Agriseco gọi tên 2 cổ phiếu tiềm năng là VHC của CTCP Vĩnh Hoàn và FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta. Với Vĩnh Hoàn, cơ hội là chu kỳ giá cá tra bắt đầu phục hồi từ vùng đáy và có thể kéo dài trong 2,3 năm tiếp theo nhờ nhu cầu từ các thị trường ở mức cao. Giá cá tra xuất khẩu của VHC trong tháng 1/2022 đạt trên 4,1 USD/kg, tăng 43% so với cùng kỳ.
Còn Sao Ta, cùng với cơ hội mở rộng thị phần sang thị trường EU nhờ các hiệp định tự do thương mại, doanh nghiệp đã liên tục gia tăng vùng nuôi cũng như công suất. Vùng nuôi của FMC đã được mở rộng từ 270 ha lên 370 ha trong năm 2021. Hai nhà máy mới gồm nhà máy thủy sản Sao Ta (công suất 15.000 tấn/năm); nhà máy chế biến tôm Tam An (công suất 5.000 tấn/năm) sẽ vận hành từ 2022, qua đó nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm, tăng khoảng 70% năng lực hiện tại. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược là CTCP CP Việt Nam khi doanh nghiệp này đã mua lại gần 25% FMC.
Agriseco |
Dệt may
Năm 2021, mặc dù đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ tư khốc liệt nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Vượt qua Bangladesh, năm 2021, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.
Đáng chú ý, trong năm 2021, xơ sợi dệt là một trong số nhóm ngành xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất. Cả năm, giá trị xuất khẩu xơ sợi đạt 5,6 tỷ USD, tăng trưởng 50,37% so với cùng kỳ, vượt xa mức trước khi đại dịch Covid bùng phát.
Giá xơ sợi xuất khẩu cũng cao hơn 34% so với 2020 nhớ nhiều yếu tố hỗ trợ như nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, tình trạng thiếu điện ảnh hưởng tới sản xuất đã khiến lượng hàng tồn kho sụt giảm mạnh ở Trung Quốc – đối tác nhập khẩu xơ sợi chính từ Việt Nam, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm sợi có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia…
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đưa ra 3 kịch bản cho ngành trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2022 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 42,5-43,5 tỷ USD; kiểm soát vào giữa năm đạt 40-41 tỷ USD và vào cuối năm sẽ đạt 38-39 tỷ USD. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5/2022.
Agriseco |
Dựa trên triển vọng ngành, Agriseco kỳ vọng vào sự tăng trưởng của cổ phiếu TNG (CTCP Đầu tư và Thương mại TNG) và STK (CTCP Sợi Thế Kỷ). Với TNG, mảng kinh doanh cốt lõi là dệt may vẫn liên tục tăng trưởng về công suất. Năm 2021, doanh nghiệp đưa vào hoạt động các nhà máy mới như nhà máy Võ Nhai 2, nhà máy Sông Công mở rộng, nhà máy Phú Bình mở rộng.
Trong các năm 2022-2023, các nhà máy mới như Đồng Hỷ 2 và Đại Từ 2 cũng dự kiến đưa vào hoạt động với thêm 42 chuyền may. Ngoài ra, TNG còn có hứa hẹn nguồn thu đột biến từ mảng bất động sản khi dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm với diện tích 70 ha có thể đạt được tỉ lệ lấp đầy 100% vào năm 2022.
STK tiếp tục hưởng lợi từ việc áp thuế chống bán phá giá với sợi nhập khẩu, giúp tăng thị phần nội địa. Bên cạnh đó là nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc sẽ phục hồi; mặt bằng giá sợi sau khi tăng mạnh nửa cuối năm 2021 có thể vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2022.
Ngoài ra, giai đoạn 1 dự án nhà máy Unitex của STK kỳ vọng sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ Q1/2023 với công suất sợi tái chế đạt 36.000 tấn/năm, tăng khoảng 60% công suất trước đó. Sợi tái chế cũng là xu hướng của ngành dệt may trong tương lai.