Thành phố Tân An, tỉnh Long An |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Long An bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Long An với tổng diện tích tự nhiên là 4.494,8 km2.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.
Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 3,3%. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8 -10 m2.
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội
Theo Quyết định, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tại Long An theo mô hình "một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực".
Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP HCM; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường vành đai 3 - 4 dọc theo các trục đường vành đai 3, vành đai 4 của TP HCM.
Hành lang phát triển phía Nam dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP HCM đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).
Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp bao gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, thành phố Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành.
Trong đó, phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp tại Bến Lức, Tân An, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước; nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa. Phát triển du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia. Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.
Vùng đệm sinh thái bao gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ tại đây phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và logistics, quyết định nêu rõ, hình thành các nút giao nối hệ thống hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hạ tầng cấp tỉnh; bố trí thêm lối ra, vào với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa.
Cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến: Đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hoà, đường song hành quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu. Đảm bảo quỹ đất xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt 18% - 25% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị.
Về hạ tầng đường sắt, tỉnh sẽ xây dựng mới hai tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn - Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới - Cần Đước.
Đồng thời, xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ ra cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, TP HCM.