Luật Đất đai (sửa đổi): Đề xuất tổ chức, cơ quan độc lập định giá đất

Đất Đai Việt nAM
07:37 - 21/02/2023
PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông
PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông
0:00 / 0:00
0:00
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với giá thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện.

Ngày 20/2, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông, nhận định thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập. Nguyên nhân do việc xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa sát với giá trên thị trường, gây thu thất thu ngân sách Nhà nước, xảy ra nhiều tiêu cực, tham nhũng.

Do đó, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập thực hiện. Các tổ chức này có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong "Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam", bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát.

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Đồng quan điểm, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, dự thảo Luật đã tạo cơ chế cho tổ chức tư vấn xác định giá đất để tư vấn định giá, hội đồng thẩm định giá đất để thẩm định giá, sau đó UBND quyết định công bố giá đó.

Tuy vậy, để có thông tin đầu vào làm cơ sở khuyến cáo định giá đất sát thực tế nhất, dự thảo Luật cần cân nhắc bổ sung quyền cho tổ chức tư vấn xác định giá đất được tiếp cận với thông tin định giá đất từ các cơ quan quản lý Nhà nước, GS. TS. Hoàng Văn Cường nêu.

Tổ chức này có trách nhiệm bảo đảm kết quả tư vấn độc lập, khách quan, trung thực theo phương pháp được tổ chức này lựa chọn. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định đánh giá, kiểm tra, thẩm định các kết quả xác định giá đất từ tổ chức khác nhau và lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp nhất.

Việc xác định giá đất rất quan trọng khi đây không chỉ là cơ sở để phục vụ cho hoạt động giao dịch quyền sử dụng đất, góp phần ổn định thị trường đất đai, là cơ sở để đền bù đất khi Nhà nước thu hồi đất mà còn góp phần nâng cao hiệu quả về sử dụng đất và đóng góp vào việc đảm bảo công bằng xã hội.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, vấn đề khó nhất, phức tạp nhất là chưa có hướng mở để đưa ra phương pháp xác định giá đất cụ thể trong các trường hợp để giải quyết tất cả vướng mắc, bất cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Riêng về hội đồng thẩm định giá đất, đề nghị phải đảm bảo tính độc lập, tính chuyên môn nghiệp vụ của Hội đồng thẩm định giá đất, cơ quan định giá, cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm trung thực, khách quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổ chức thêm các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các chủ đề khác của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Như vậy, chưa đầy 1 tháng nữa việc lấy ý kiến sẽ kết thúc.

Ở một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 20/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi) và triển khai các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức bộ máy tại Bộ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị phát động công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình tích cực nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là ý kiến về các nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật (theo yêu cầu tại Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ) và các nội dung có liên quan đến phạm vi quản lý của ngành, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định về đất đai trong lĩnh vực công thương.

Tin liên quan

Đọc tiếp