Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đề xuất giảm một số trường hợp chỉ định thầu

Đấu thầu QUỐC HỘI
17:28 - 05/04/2023
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn - Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ định thầu là nội dung mới trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được các đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu chuyên trách của Quốc hội, ngày 5/4.

Ngày 5/4, Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Điều chỉnh hạn mức chỉ định thầu phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, liên quan đến nội dung đối tượng điều chỉnh đối với vốn tại nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội chỉ quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp đối tượng điều chỉnh so với luật hiện hành đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Về đấu thầu trước, Thường trực Ủy ban TCNS tiếp thu ý kiến UBTVQH và chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, đảm bảo quy định thống nhất với Luật 03/2022/QH15.

Về chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với "gói thầu tái định cư"; quy định rõ về "Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án".

Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu của dự thảo Luật chỉnh lý và để bảo đảm tính linh hoạt, bổ sung tại điểm này quy định "Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định".

Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp thu, chỉnh lý quy định theo hướng: quy định rõ điều kiện áp dụng trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu không thể thực hiện theo các hình thức thông thường khác và chỉ đối với các trường hợp cụ thể.

Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp thu theo hướng: Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong trường hợp phải đấu thầu được quy định trong luật đất đai.

Về mua thuốc, vật tư y tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.

Cân nhắc kỹ quy định về chỉ định thầu để tránh bị lợi dụng

Theo Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cần cân nhắc kỹ quy định về chỉ định thầu để tránh bị lợi dụng. Vì dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, việc công khai, minh bạch, sẽ giúp quá trình mua sắm công của nước ta tốt hơn.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung về đấu thầu rộng rãi. Theo đó, cần có quy định đấu thầu chỉ về giá cho các gói thầu thông thường. Bởi vì, ở Việt Nam hàng năm thực hiện hàng ngàn gói thầu, trong đó có rất nhiều gói thầu thông thường với quy mô dưới 50 tỷ, cùng một loại công trình xây dựng.

"Cần có giải pháp để cho các nhà thầu chỉ đấu thầu về giá, giúp giảm chi phí cho nhà thầu và đặc biệt hạn chế được nhà thầu phải gặp chủ đầu tư trước khi đấu thầu, bởi làm như vậy thì sẽ không khách quan", đại biểu nhấn mạnh.

Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đề xuất giảm một số trường hợp chỉ định thầu ảnh 1

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Cũng liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần quy định cụ thể trong một số trường hợp quy định về chỉ định thầu, nhưng chỉ trong những trường hợp cần thiết, nhất là trong những trường hợp đặc biệt để đảm bảo các tiêu chí đề ra.

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu này, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn. Còn về đấu thầu dự án, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư.

Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đề xuất giảm một số trường hợp chỉ định thầu ảnh 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Góp ý về tổ chức đấu thầu trước, nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến, hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật.

Đọc tiếp