Hải Dương đẩy mạnh vận tải hàng hóa bằng đường sắt liên vận tại ga Cao Xá

ga Cao Xá Hải Dương
18:58 - 03/04/2024
Hải Dương đẩy mạnh vận tải hàng hóa bằng đường sắt liên vận tại ga Cao Xá
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hải Dương, ga Cao Xá đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương nâng cấp thành ga liên vận quốc tế, được đầu tư thêm các đường xếp dỡ và bãi hàng hóa. Đây sẽ là nơi tập kết và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Sáng 3/4 tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (thành phố Hải Dương), Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các sở, ngành liên quan tổ chức Hội nghị giới thiệu giải pháp vận tải hàng hoá xuất, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, phát triển dịch vụ Logistics tỉnh Hải Dương.

Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện Hỗ trợ Doanh nghiệp, phát triển dịch vụ Logistics của tỉnh Hải Dương, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo.

Mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa mới

Thông tin tại hội nghị cho biết, trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Hải Dương được đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại. Trong đó hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông thuận lợi và đã kết nối với nhiều cảng biển lớn trong khu vực phía Bắc như các cụm cảng tại Hải Phòng, Quảng Ninh…, đồng thời kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hải Dương là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hoạt động sản xuất, gia công, xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như may mặc, giày dép (hàng trăm triệu sản phẩm/năm); dây và cáp điện, sản phẩm điện tử và linh kiện (hàng chục triệu sản phẩm/năm), túi xách, vali, mũ, ô dù (hàng chục triệu sản phẩm/năm); các sản phẩm của nông nghiệp vải thiều, cà rốt, hành tỏi, rau củ quả các loại (lượng lưu chuyển từ 300.000 - 500.000 tấn/năm. Riêng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc trên 30 nghìn tấn/năm).

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp.

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp.

Hiện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương thường xuyên có quan hệ ngoại thương với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu cao. Tính riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn tỉnh đạt 17,6 tỷ USD; trong đó lượng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc đạt gần 3,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 20%.

Tuy nhiên, hầu hết hàng hóa xuất, nhập khẩu tới thị trường Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua đường bộ và đường biển; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá qua các tuyến đường sắt chưa khai thác được nhiều.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, với định hướng phát triển Hải Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập trung các dịch vụ logistics phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; đưa dịch vụ logistics thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh... việc mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa mới bằng đường sắt có thể giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu (Kazakhstan, Nga, Belarus và các nước châu Âu).

Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương nêu ý kiến tại hội nghị.

Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương nêu ý kiến tại hội nghị.

Một số đại biểu đánh giá đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá trong tỉnh, trong khu vực có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển.

Đảm bảo hàng hóa an toàn

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có ga Cao Xá là ga hàng hoá rất gần với Quốc lộ 5, sông Thái Bình và đặc biệt rất gần với các khu công nghiệp lớn như Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Nam Sách... thuận tiện cho kết nối giao thông đa phương thức.

Đại diện cơ quan Hải quan phát biểu tại hội nghị.

Đại diện cơ quan Hải quan phát biểu tại hội nghị.

Ga Cao Xá đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương nâng cấp thành ga liên vận quốc tế. Hiện tại, ga Cao Xá đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư thêm các đường xếp dỡ và bãi hàng hóa. Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương liên quan lập và triển khai các dự án cải tạo mở rộng tuyến đường kết nối từ ga Cao Xá với Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cảng Tiên Kiều.

Đại diện Ngân hàng Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Đại diện Ngân hàng Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Một số chuyên gia cho rằng, ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế sẽ là một lợi thế lớn của Hải Dương giúp gia tăng giải pháp vận chuyển hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu. Do vậy, trong thời gian tới, nâng cao năng lực khai thác ga Cao Xá qua phương thức liên vận quốc tế phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và các nước Đông Âu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Quy trình vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Quy trình vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt.

“Một ưu điểm vượt trội khác là hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua,” Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo khẳng định.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt qua ga Cao Xá sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa, đảm bảo hàng hóa an toàn, ít bị va đập, hư hỏng và đảm bảo đúng lịch trình vận chuyển không bị hoãn chuyến như những phương thức vận chuyển khác. Ngoài ra, ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương…

Thông tin vận chuyển container liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Thông tin vận chuyển container liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo, các chuyên gia của ngành Đường sắt Việt Nam, cơ quan Hải quan, Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) đã trình bày các chuyên đề, nội dung liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt qua ga Cao Xá; giải pháp vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế từ tỉnh Hải Dương; các gói dịch vụ vận tải nội địa và liên vận quốc tế, cũng như các giải pháp hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá, thực hiện thủ tục hải quan; các sản phẩm tiện ích của ngân hàng… giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có thêm sự lựa chọn sử dụng các dịch vụ, tiện ích mới nhằm giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistic nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để công bố ga Cao Xá là ga liên vận quốc tế và tổ chức chuyến hàng đầu tiên dự kiến vào ngày 23/4/2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.