'Mong muốn doanh nghiệp Nhật tham mưu cải thiện môi trường kinh doanh'

Việt-Nhật Hợp Tác
11:55 - 07/03/2023
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là diễn đàn đối thoại hiệu quả về hợp tác kinh doanh hai nước. Ảnh: MPI.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là diễn đàn đối thoại hiệu quả về hợp tác kinh doanh hai nước. Ảnh: MPI.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn "Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản" trở thành kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản và tham mưu chính sách với Việt Nam.

Tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sau hơn 20 năm thực hiện, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã có tác động to lớn và nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao.

Đồng thời, đây cũng được đánh giá là diễn đàn có hiệu quả hàng đầu trong số các diễn đàn đối thoại, hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng KHĐT cho biết.

Tuyên bố kết thúc giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục hai bên thực hiện, Sáng kiến chung là một trong những kênh đối thoại hiệu quả, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thành quả đó giúp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức.

Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản rất có tiềm năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ việt nam nêu trên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản không chỉ là kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, mà thông qua đó, các doanh nghiệp Nhật sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tham mưu chính sách.

"Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đề xuất việc xây dựng chính sách của Việt Nam, tập trung vào các nhóm vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, tôi mong các bạn sẽ tăng cường và tham gia sâu vào quá trình triển khai các cơ chế chính sách”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, trong 8 giai đoạn vừa qua đã có nhóm công tác tập trung phát triển năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam như nhóm công tác về lao động hay công nghiệp hỗ trợ.

Tiếp tục đẩy mạnh Sáng kiến chung giai đoạn tiếp theo

Thời gian tới, người đứng đầu Bộ KH&ĐT kỳ vọng phía Nhật Bản sẽ có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Thông qua xây dựng Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào 3 lĩnh vực: Chuyển đổi số; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nhân lực.

Để Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục phát huy hiệu quả, Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị các nhóm công tác phía Nhật Bản phối hợp với các bộ ngành liên quan của Việt Nam và các địa phương nghiên cứu triển khai.

Các hợp tác có thể thông qua việc đề nghị Chính phủ Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp (gói viện trợ không hoàn lại) để có chương trình hành động và đề án cụ thể nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch đề ra.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhóm kỹ thuật phía Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục trao đổi, thống nhất để báo cáo lãnh đạo hai bên xem xét nội dung của giai đoạn tiếp theo.

“Bộ KH&ĐT cùng các Bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đem lại hiệu quả hợp tác đầu tư cho cả hai bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Lễ ký biên bản kết thúc giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: MPI.

Lễ ký biên bản kết thúc giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: MPI.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng bởi Thủ tướng Chính phủ hai nước từ tháng 4/2003.

Mục tiêu của Sáng kiến chung nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cuộc đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam (gồm các Bộ, ngành liên quan) với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (đại diện là Ủy ban kinh tế Việt – Nhật thuộc Liên đoàn kinh tế Nhật Bản - Keidanren, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA. JETRO, JCCI, JCCH).

Giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã được thực hiện trong 17 tháng từ ngày 21/10/2021 đến ngày 07/3/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp