Bức ảnh phi công Mỹ tự chụp khi bay gần khinh khí cầu Trung Quốc. Ảnh: BQP Mỹ |
Theo CNN, bức ảnh selfie do phi công của máy bay do thám U-2 chụp cho thấy bóng của chiếc máy bay này hiện trên khinh khí cầu, cũng như hình ảnh rõ ràng về khí cầu nhìn từ trên cao khi nó bay qua lục địa Mỹ.
CNN là bên đầu tiên đưa tin về sự tồn tại của bức ảnh này.
Theo các quan chức quốc phòng, bức ảnh về khinh khí cầu được chụp một ngày trước khi bị tiêm kích F-22 bắn hạ ở ngoài khơi Nam Carolina vào ngày 4/2, do lo ngại nó tiến hành hoạt động do thám. Khinh khí cầu được cho là đang bay lơ lửng ở độ cao khoảng 18.000m trong không trung.
Thiết bị dưới khinh khí cầu Trung Quốc. Ảnh: BQP Mỹ |
Mỹ lần đầu phát hiện về sự tồn tại của chiếc khinh khí cầu vào ngày 28/1. Sau đó, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ đã điều máy bay do thám U-2 để xác định vật thể bay này.
Theo CNN, các quan chức Mỹ theo dõi khinh khí cầu vào thời điểm đó cho biết có rất lý do để lo ngại về nó. Vật thể này di chuyển ở độ cao từ 18.200 – 21.300m, được dự báo sẽ bay qua Alaska và tiếp tục theo quỹ đạo phía bắc. Tuy nhiên, ngay sau khi băng qua đất liền, khinh khí cầu đột ngột chuyển hướng về phía nam.
Khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ, ngày 4/2. Ảnh: Reuters |
Sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, các mảnh vỡ của nó đã rơi xuống biển. Tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết các thợ lặn Hải quân Mỹ và đội tàu đã hoàn thành việc trục vớt các mảnh vỡ khinh khí cầu. Nó đã được mang về phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Virginia, để các chuyên gia FBI và cơ quan tình báo phân tích và đánh giá.
Vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, khiến Ngoại trưởng Mỹ hủy bỏ chuyến thăm hiếm hoi tới nước này.
Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận nước này. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ phản ứng thái quá và vi phạm "tinh thần luật pháp quốc tế" khi bắn hạ khinh khí cầu. Bắc Kinh khẳng định khinh khí là thiết bị theo dõi khí tượng bay chệch hướng vào Mỹ.