Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 3/3. Ảnh: Reuters |
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz đã có cuộc thảo luận tại Phòng Bầu Dục trong hơn một giờ. Nội dung thảo luận của hai nhà lãnh đạo tập trung vào tầm quan trọng của việc tiếp tục "đoàn kết" với người dân Ukraine và nỗ lực không ngừng trong việc hỗ trợ an ninh, nhân đạo và kinh tế cho nước này.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden cảm ơn nhà lãnh đạo Đức vì "sự lãnh đạo mạnh mẽ và kiên định", cũng như sự ủng hộ dành cho Ukraine. Đáp lại, ông Scholz nói rằng điều quan trọng là phải chứng minh rằng các đồng minh sẽ ủng hộ Kiev "tới khi nào còn cần thiết".
Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Đức cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Biden cũng ca ngợi quyết định của Thủ tướng Scholz về việc tăng mạnh chi tiêu quân sự của Đức và đa dạng hóa các nguồn năng lượng để tránh phụ thuộc vào Nga. Ông đồng thời cho biết Berlin và Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để hỗ trợ Ukraine.
“Là đồng minh của NATO, chúng tôi đang làm cho liên minh trở nên mạnh mẽ hơn", ông Biden nói.
Chuyến công du Mỹ một ngày trong hôm 3/3 của Thủ tướng Đức Olaf Scholz - không có cuộc họp nào khác trong chương trình nghị sự - là chuyến đi thứ hai của ông tới Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2021.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn cho Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), các loại đạn dược, cầu chiến thuật M60 AVLB để di chuyển xe tăng và xe bọc thép, cùng các thiết bị hỗ trợ bảo dưỡng phương tiện, phụ tùng.
Trước đó, hồi cuối tháng 1, Mỹ và Đức đồng loạt công bố kế hoạch chính thức về việc viện trợ xe tăng cho Ukraine. Washington tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng M1 Abrams tiên tiến trị giá 400 triệu USD, nhằm giúp Kiev có thêm lợi thế trên chiến trường.
Trong khi đó, Đức ra thông báo về quyết định chuyển giao 14 xe tăng chủ lực Leopard 2A6 từ kho dự trữ Bundeswehr cho Ukraine. Berlin đồng thời phê duyệt đề nghị của các nước đối tác nhằm tái xuất khẩu loại xe tăng này đến quốc gia Đông Âu.
Tuy nhiên, Nga cho rằng việc vận chuyển xe tăng Leopard 2 tới Ukraine không phải là tín hiệu tốt cho quan hệ Nga - Đức. "Động thái này chắc chắn sẽ gây tổn hại không thể tránh khỏi cho tương lai của mối quan hệ song phương", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Moscow cũng đã nhiều lần kêu gọi tập thể phương Tây ngừng bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng việc viện trợ quân sự đang diễn ra sẽ chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine, mà không thể thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột.