Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói hỗ trợ vũ khí trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Ảnh: AP |
“Mỹ sẽ sát cánh với các đối tác Ukraine và tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí và thiết bị cần thiết để tự phòng vệ”, Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông chủ Nhà Trắng đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa HIMARS sau khi nhận được cam kết của Kiev rằng họ sẽ không sử dụng những loại vũ khí này để nhắm đến các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ông Biden đưa ra điều kiện này nhằm tránh leo thang cuộc chiến.
Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhận định, Nga sẽ không đáp trả quyết định của Mỹ cung cấp các vũ khí tiên tiến cho Ukraine bởi "những gì NATO và các đồng minh đang làm là hỗ trợ Ukraine phòng vệ".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói rằng: "Phía Ukraine đã khẳng định với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống vũ khí này tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga”.
Một binh sĩ Ukraine đứng cạnh tên lửa chống tăng Javelin tại một vị trí ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 18/4. Ảnh: Reuters |
Gói viện trợ này của Mỹ bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), đạn dược, radar, tên lửa chống tăng Javelin và một số loại vũ khí chống thiết giáp khác.
Một nguồn tin từ một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ sẽ gửi 4 hệ thống HIMARS đến Ukraine trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, quan chức này nói rằng sẽ mất khoảng 3 tuần để huấn luyện các lực lượng Ukraine về cách sử dụng các hệ thống mới.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề chính sách Colin Kahl cho biết: “Không có hệ thống nào có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến này. Đây là cuộc xung đột quân sự vô cùng cam go".
Một lô vũ khí viện trợ của Mỹ được vận chuyển bằng máy bay tại Sân bay quốc tế Boryspil, Kiev, Ukraine, ngày 10/2. Ảnh: Reuters |
Tờ New York Times cùng ngày đưa tin, Tổng thống Mỹ cho biết gói viện trợ vũ khí mới này sẽ giúp Ukraine trên chiến trường cũng như có được “lợi thế trên bàn đàm phán”. Nhưng ông Biden cũng khẳng định, ông hy vọng rằng Nga và Ukraine có thể tìm thấy một giải pháp ngoại giao để kết thúc cuộc chiến.
"Mỹ sẽ tiếp tục làm việc để củng cố cho Ukraine và hỗ trợ các nỗ lực của nước này để đạt được một kết thúc đàm phán cho xung đột", ông Biden nói.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã ngay lập tức thẳng thừng tuyên bố, Moscow không tin cam kết không tấn công vào lãnh thổ Nga nếu có trong tay hệ thống tên lửa phóng nhiều lần do Mỹ sản xuất của chính quyền Kiev. Nga chỉ trích việc Mỹ cung cấp pháo phản lực HIMARS cho Ukraine có thể kéo theo nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai nước.
Trước đó, Điện Kremlin cũng cho rằng, Mỹ "đang đổ thêm dầu vào lửa" khi chuyển thêm vũ khí cho Kiev. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng cảnh báo: "Chúng tôi nhận thấy đây là động thái vô cùng tiêu cực. Thực tế là Mỹ đang dẫn đầu hàng loạt quốc gia bơm vũ khí cho Ukraine. Chúng tôi từng nhiều lần cảnh báo hành động này là kế hoạch tiến hành chiến tranh đến người Ukraine cuối cùng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ và rất nguy hiểm".