Ngành chăn nuôi hướng tới mục tiêu: Việt Nam trở thành “cái bếp” của thế giới

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
13:30 - 08/10/2021
Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của Cục chăn nuôi ngày 08/10. Ảnh trích xuất từ hội nghị
Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của Cục chăn nuôi ngày 08/10. Ảnh trích xuất từ hội nghị
0:00 / 0:00
0:00
“Chăn nuôi không những phục vụ nhu cầu trong nước mà phải đáp ứng được chuỗi phân phối của thế giới” là mục tiêu hướng tới của ngành chăn nuôi thời gian tới.

Ngày 08/10, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022" của Cục chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng: “Việc chăn nuôi giờ khó nhất là đất đai. Mục tiêu của chăn nuôi không những phục vụ nhu cầu trong nước mà phải đáp ứng được chuỗi phân phối của thế giới, để Việt Nam có thể được ví như một cái bếp của thế giới”.

Chăn nuôi phục vụ trong nước nhưng phải hướng đến xuất khẩu

Theo báo cáo của hội nghị, ngành chăn nuôi đang gặp những khó khăn nhất định trong 9 tháng năm 2021. Xuất phát từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong hai đợt dịch COVID-19, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thịt và gia cầm sụt giảm do xu hướng cắt giảm chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp, bên cạnh đó giá thức ăn chăn nuôi lại đang tăng cao.

Tuy nhiên, nhu cầu lương thực từ nay đến cuối năm vẫn có thể được đảm bảo dồi dào bởi vai trò của nhập khẩu trong việc tham gia điều tiết nguồn cung. Từ tháng 01–09/2021, tỷ trọng nhập khẩu thịt nhiều loại tăng cao: thịt lợn (62,2%), thịt trâu (35,7%) và thịt gà chế biến (31,7%)…

Tình hình nhập khẩu thịt từ tháng 01-09/2021. (Ảnh trích xuất từ Hội nghị)

Tình hình nhập khẩu thịt từ tháng 01-09/2021. (Ảnh trích xuất từ Hội nghị)

Qua đó, giúp điều hòa mức giá trong nước theo xu thế biến động của khu vực và thế giới. Nhập khẩu lợn tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 giúp đáp ứng nhu cầu tại các thành phố lớn khi khâu giết mổ và vận chuyển bị đứt gãy.

Với mục tiêu không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà phải đáp ứng được chuỗi phân phối của thế giới, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được một số kết quả sau.

Kim ngạch xuất khẩu thịt 8 tháng 2021 đạt 67,5 triệu USD, tăng 21,8%. Trong đó, mặt hàng thịt lợn đạt 22,8 triệu USD, tăng 32,6% (99,7% là thịt lợn sữa đông lạnh với thị trường xuất khẩu duy nhất là Hong Kong); Thịt gia cầm đạt 15,2 triệu USD, tăng 11,6% (Hong Kong chiếm phần lớn thị phần - 57,4%).

Kim ngạch xuất khẩu sữa 8 tháng 2021 đạt 77,1 triệu USD, tăng 22,1%. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng, Iraq tăng 7,4%; Campuchia tăng 64%; Philipines tăng 13,8%; Mỹ tăng 48,5%. Xuất khẩu sang một số thị trường giảm: Trung Quốc giảm 18,6%; Hồng Kông giảm 19,7%; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 49,2%; Singapore giảm 35,9%.

Kim ngạch xuất khẩu mật ong 8 tháng 2021 đạt 74,1 triệu USD, tăng 65,2%. Trong đó, 91,8% tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tăng 43,2 so với cùng kỳ năm 2020; thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 là Nhật Bản chiếm 1,7% tỷ trọng, tăng 963,5%.

Giải quyết vấn đề tái đàn và chuyển đổi số trong nông nghiệp

Tham dự hội nghị, bà Hoàng Tố Nga, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Nam Định đã có báo cáo tham luận, cho biết về tình hình nguồn cung thiếu hay thừa phụ thuộc nhiều vào tình hình tiêu thụ tại địa phương. Hơn một tháng nay người chăn nuôi không dám tái đàn do giá thịt lợn thấp. Do vậy, khó dự đoán nguồn cung thịt lợn trong nước những tháng cuối năm.

Đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích, động viên các trang trại chăn nuôi duy trì các đàn lợn nái, đảm bảo nguồn cung lợn giống sau khi giá thị trường trở lại bình thường; Triển khai Luật chăn nuôi, luật thú ý, cấp giấy quy định cho các trang trại;Tổ chức, giám sát chặt chẽ, kiểm soát không để ổ dịch phát sinh trên các đàn gia súc, gia cầm; Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho những người tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu trong đó có người chăn nuôi; Giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ doanh nuôi trang trại để họ duy trì đàn nái, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, quản lý chặt chẽ và điều tiết việc nhập khẩu.

Trong báo cáo tham luận của ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã đặc biệt đề xuất đến vấn đề chuyển đổi số cho nông nghiệp trên tất cả các mặt: kê khai tổng đàn, chăn nuôi thú ý, quản lý chất lượng…

Ý kiến này được hội nghị đánh giá cao, phù hợp với tình hình thực tế.

Không để “con gà ăn hết sổ đỏ của nông dân”

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco.

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi trong thời gian vừa qua, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco đã có những đề xuất tránh tình trạng “con gà ăn hết sổ đỏ của nông dân”.

Ông cho biết, hiện nay Dabaco đang cung cấp khoảng 700.000 quả trứng mỗi ngày. Tuy lượng hàng tồn còn rất nhiều nhưng vẫn phải đảm bảo thức ăn cho gia súc 60-61%, gia cầm 20-25%.

Để tháo gỡ những khó khăn hiện tại, cần giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng; Đề xuất kho đông lạnh dự trữ quốc gia; Mở rộng đối tượng bảo hiểm Nông nghiệp; Có những chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế nhất là giảm thuế thức ăn chăn nuôi trong khi có những loại thức ăn chăn nuôi tăng 40% thuế là những cản trợ vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp; Đề nghị có quy hoạch cụ thể cho nhu cầu thực phẩm mỗi vùng, dự báo chính xác để tránh dư thừa sản phẩm, không để tình trạng giải cứu tiếp diễn.

Đề xuất ý kiến về tăng hiệu quả ngành chăn nuôi, chuyên gia Phạm Quang Hiếu cho rằng: Cần hạn chế nhập khẩu thịt lợn, gia cầm để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển; Giảm thuế nhập khẩu thức ăn ngành chăn nuôi; khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ chăn nuôi. Ông cũng khẳng định sẽ không có tình trạng thiếu hay khủng hoảng thực phẩm trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn bằng những chính sách, đề án

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Tổng kết các ý kiến tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến có ý kiến chỉ đạo: cần phải thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả; Đảm bảo lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng trong cả nước; Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các Hợp tác xã; Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và các chuyên gia.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh việc điều chỉnh giống, giá thức ăn chăn nuôi hợp lý, dự báo nhu cầu thị trường rất quan trọng trong việc tái cơ cấu.

“Chăn nuôi, thú ý, chế biến, giải quyết môi trường đi một cách song hành thì tôi chắc chắn là chăn nuôi sẽ sớm đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hướng đến xuất khẩu mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng thông tin thêm, dự kiến 2023, Luật đất đai sẽ thông qua luật chuyển đổi đất đai cho chăn nuôi, giải quyết những khó khăn hiện tại.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý: “Tin tưởng Nghị quyết số 105/NQ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản và tháo gỡ khó khăn bằng những chính sách, đề án, chúng ta sẽ có một ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng”./.

Tin liên quan

Đọc tiếp