Nghịch lý bệnh viện danh tiếng luôn quá tải nhưng xin thôi tự chủ tài chính

Y Tế QUỐC HỘI
15:51 - 24/10/2022
Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện.
Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại biểu Quốc hội, việc thí điểm tự chủ bệnh viện công thất bại là do cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình.

Phát biểu góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong phiên họp sáng nay (24/10), Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo ông Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Ông Cường cho rằng, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất; không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Ảnh: Quochoi

Ảnh: Quochoi

Nhiều bệnh nhân cũng mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn. Đại biểu Hoàng Văn Cường

Đại biểu nhận định, tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Kỳ vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này; tuy nhiên ông Cường cho biết những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo Luật.

Do vậy ông Cường đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào luật quy định về tự chủ của bệnh viện công.

Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn thu từ ngân sách...

Đồng thời cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ. Việc này dựa trên nguyên tắc giá dịch vụ khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí, trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh.

Quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư mua sắm, đi thuê, liên doanh liên kết các máy móc, trang bị và sử dụng có hiệu quả nhất cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu khám chữa bệnh...

Để đảm bảo tính logic, chặt chẽ, ông Cường đề nghị nên kết cấu các nội dung quy định về tài chính và tài sản thành một chương là tài chính - tài sản của các cơ sở khám chữa bệnh.

Cần tổng kết, đánh giá hoạt động tự chủ bệnh viện

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cũng cho rằng cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập trong luật.

Theo bà Thu, cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nhưng đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ nhưng dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về điều này.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Đại biểu Trần Khánh Thu. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Trần Khánh Thu. Ảnh: Quochoi

Cũng quan tâm đến vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP HCM) cho rằng, những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế.

Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó đảm bảo chất lượng cao.

Đồng thời bà Lan đề xuất cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực…

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện thì có 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách này. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên 2 bệnh viện này đều đã đề nghị xin ngưng tự chủ toàn diện bệnh viện.

Khó khăn khiến việc thí điểm thất bại một phần nguyên nhân là do thiếu cơ chế, thiếu hành lang pháp lý. Bệnh viện tự chủ nhưng không được tự quyết về viện phí mà vẫn theo quy định khung giá chung. Về nhân lực, bệnh viện cũng không được tự quyết hoàn toàn mà vẫn phải có đề án báo cáo Bộ Y tế.

Những điểm vướng này đã dẫn đến các bệnh viện chỉ tự chủ trên giấy, lại bị cắt nguồn hỗ trợ từ ngân sách, trong khi các khoản thu vẫn thế, lại thêm khó khăn từ dịch Covid-19.

Tin liên quan

Đọc tiếp