Sản phẩm xơ mướp được sản xuất thành đa dạng sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ với Mekong ASEAN về quá trình khởi nghiệp, đưa sản phẩm xơ mướp “made in Việt Nam” ra thị trường quốc tế, ông Tạ Quý Tôn, CEO của Công ty Kinh Bắc (KB EcoLife) hồi tưởng về câu chuyện cơ duyên bắt đầu từ đất nước Australia. Ông kể từng có thời gian sinh sống và học tập ở Australia, tình cờ khi ở trong một khách sạn cao cấp thấy họ sử dụng bông tắm, kỳ lưng, dép đi trong nhà đều làm từ xơ mướp, trong khi xơ mướp ở Việt Nam lại chỉ để làm cọ rửa bát rất lãng phí.
Cũng trong thời gian đó, ông Tôn gặp người bạn là quản lý chuỗi khách sạn ở Australia. Trong một buổi cafe cuối tuần với bạn, ông thấy anh bạn đó rất căng thẳng vì không tìm được nhà cung cấp đều đặn các sản phẩm xơ mướp đang dùng trong khách sạn. Các nhà cung ứng nguyên liệu không ổn định nên không sản xuất thường xuyên sản phẩm từ xơ mướp cho khách sạn được.
“Tôi nhận thấy đây chính là tiềm năng cho xơ mướp Việt Nam, thứ khá phổ biến được trồng nhiều trong các vườn ở nông thôn. Tôi đã nhiều lần kết nối cho bạn mình về các nguồn xơ mướp Việt cũng như kêu gọi liên kết đầu tư nhưng không ai muốn hợp tác”, ông Tôn kể.
Ông Tôn liên kết với đông đảo bà con nông dân trên 70ha vùng trồng mướp nguyên liệu. Ảnh: NVCC. |
Do đó, năm 2017, ông Tạ Quý Tôn về nước sau 2 năm làm việc tại một ngân hàng và chọn khởi nghiệp lúc 37 tuổi với thứ nguyên liệu tưởng như bỏ đi. Sau vài năm phát triển, công ty KB EcoLife do ông gây dựng hiện có trên dưới 30 mặt hàng chia làm 3 danh mục: Bộ sản phẩm cho nhà bếp, bộ sản phẩm cho nhà tắm và bộ sản phẩm tiêu dùng cá nhân. Phần lớn các sản phẩm làm ra đến 95 - 98% là xuất khẩu nước ngoài, chỉ có 2 - 3% sản lượng là phục vụ thị trường trong nước.
Với sức sáng tạo và niềm đam mê với xơ mướp, KB EcoLife đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm như: Bông tắm, xơ nguyên trái, đai kỳ lưng, cây kì lưng, miếng rửa chén, bát, cọ xoong, lót giầy, lót cốc chén, dép… Những sản phẩm này đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Sản phẩm của KB EcoLife có 100% nguyên liệu từ tự nhiên cùng với quy trình sản xuất chặt chẽ nên các sản phẩm từ xơ mướp đã đạt chứng nhận Vietgap và các chứng nhận quốc tế khác để xuất khẩu một cách thuận lợi”, ông Tôn hào hứng chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, “ông trùm” xơ mướp Bắc Ninh cũng chia sẻ về khó khăn lớn nhất là vùng trồng. Theo ông Tôn, hiện nay, công ty không đủ 100% diện tích đất trồng mướp mà cần liên kết với nhiều bà con nông dân khác để thu mua. KB EcoLife đang có 20ha đất trồng nguyên liệu và 70ha là liên kết với bà con nông dân. Vì vậy, để đồng bộ hóa chất lượng sản phẩm giữa hai vùng trồng này là một thách thức.
Ông Tạ Quý Tôn (bên trái). Ảnh: NVCC "Yếu tố quan trọng nhất để huy động bà con nông dân đảm bảo được đồng bộ vùng nguyên liệu là tôi nói đi đôi với làm, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho họ. Tôi là người trực tiếp thu mua, sản xuất và bao tiêu đầu ra nên bà con tin tưởng. Trong hợp tác, tôi xác định là người cho đi trước, nhường phần lợi ích trước tiên cho bà con để tạo lòng tin và uy tín rồi mới tính đến phần của mình”.
Ông Tôn cho biết, niềm vui nhất khi khởi nghiệp với xơ mướp là sản phẩm đã mang lại nghề cho nông dân và tạo dựng tiềm năng kinh tế hiệu quả cũng như thương hiệu nông nghiệp sạch Việt Nam.
“Khi về nước khởi nghiệp, mục tiêu lớn nhất của tôi là có thể đồng hành cùng bà con và đến thời điểm hiện tại có thể đạt được một phần ước mơ đó. KB EcoLife đang tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên tại vùng quê Thuận Thành và 50 lao động thời vụ, với mức lương cao nhất là 17 – 18 triệu đồng/tháng, mức lương trung bình là 8 triệu đồng/tháng. Đồng thời, công ty cũng liên kết bao tiêu với nhiều vùng trồng mướp của bà con nông dân”, ông Tôn chia sẻ.
Liên tiếp 2 năm mất trắng nhưng không ngăn được đam mê
Nhớ lại hành trình đầy gian lao với xơ mướp, ông Tạ Quý Tôn hồi tưởng, ngày đầu từ bỏ công việc ngân hàng, ông phải vay mượn hơn 1 tỷ đồng làm vốn khởi nghiệp.
Tuy nhiên, không có con đường nào dễ dàng, năm đầu tiên 2020 làm xơ mướp, ông mất trắng 1 tỷ đồng đó vì đúng năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Trồng mướp để lấy phôi, nhưng năm đó khó khăn nên công ty thu mua nhiều mướp non để ủng hộ bà con, nên không đủ xơ để sản xuất. Bên cạnh đó, ông Tôn tự nhận mình thiếu kinh nghiệm của lần đầu làm nên không thu được đồng doanh thu nào.
Năm thứ hai, ông Tôn tiếp tục vay mượn 1 tỷ đồng để đầu tư lại và tiếp tục mất tiếp vì đây là năm bùng nổ của dịch Covid-19 khi Bắc Ninh nằm trong tâm dịch nên hầu như mọi hoạt động không thể diễn ra.
Không từ bỏ đam mê cùng với sự gan lỳ, năm thứ 3, ông Tôn vẫn kiên định với con đường mình đã chọn và bắt đầu có lãi lần đầu tiên. Doanh thu cao nhất ghi nhận của KB EcoLife là gần 6 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 sẽ hòa vốn đầu tư ban đầu.
Ảnh: NVCC "Mặc dù con đường chông chênh, gian nan như vậy, nhưng tôi có niềm đam mê và niềm tin rất lớn ở sản phẩm xơ mướp. Lý do bởi, tôi nhận thấy tiềm năng lớn của sản phẩm này, có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều đồ dùng của cuộc sống mà lại mang tính gần gũi với thiên nhiên”.
Theo CEO KB EcoLife phân tích, hiện nay trên thế giới mới chỉ có một vài nước sản xuất sản phẩm từ xơ mướp nên tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam. “Mặc dù phải chấp nhận là ít nhà cung ứng, sản phẩm chưa phổ biến, nhưng mình đi con đường ít người để hy vọng có những kết quả tích cực, nhất là khi xu hướng gần gũi với thiên nhiên đang ngày càng ưa chuộng trên thị trường thế giới”, ông Tạ Quý Tôn nhận định thị trường.
Trong 5 năm sắp tới, KB EcoLife mong muốn sẽ nhân rộng những cánh đồng trồng mướp trên khắp Việt Nam, đặc biệt sẽ phát triển những dòng sản phẩm xơ mướp dành cho trẻ em để cùng các em học sinh rèn luyện sự tự lập, bảo vệ môi trường xanh và thêm yêu đất nước Việt Nam.