Đó là nhận định của các chuyên gia tại “Diễn đàn logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu - kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Australia và Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) tổ chức tại TP HCM, ngày 17/11.
Logistics xanh - Xu hướng tương lai
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Australia.
“Australia là một trong những quốc gia đi tiên phong đầu tư, hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt đầu tư và viện trợ vào y tế, giáo dục, đào tạo. Ngành logistics đã được hưởng lợi nhiều từ mối quan hệ hợp tác này. Kể từ năm 2017 đến nay VLA luôn giữ vững quan hệ hợp tác chiến lược, thúc đẩy tích cực các hoạt động thiết thực của Dự án phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam thông qua hợp tác với Aus4Skills”
Bà Cherie Anne Russell, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ do tăng thu nhập bình quân và sự phát triển kinh tế. Đây cũng là những lĩnh vực mà Australia quan tâm thúc đẩy phát triển trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Bà Cherie Anne Russell, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. |
"Chính vì vậy, logistics đóng vai trò quan trọng để hình thành chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trong chiến lược thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa Việt nam và Australia.
Trong đó, logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh. Nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ do tăng thu nhập bình quân và sự phát triển kinh tế", bà Cherie Anne Russell nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập Khẩu, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh tới yêu cầu về phát triển logistics xanh góp phần nâng cao hiệu quả logistics và tối ưu hoạt động xuất nhập khẩu song phương, tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo của hai quốc gia.
Theo ông Trần Thanh Hải, trong giai đoạn Covid-19, Chính phủ Australia đã thực hiện viện trợ cho Việt Nam hơn 14 triệu liều vaccine. Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, tạo nhiều dấu ấn và là tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia.
Bên cạnh đó, dược phẩm và nông sản là các mặt hàng có kim ngạch lớn trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc.
“Hệ thống logistics được phát triển không chỉ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong vận chuyển, mà còn thúc đẩy tăng trưởng của nông sản và dược phẩm trên thị trường của cả hai quốc gia”.
Do đó, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các đại biểu diễn đàn sẽ chia sẻ giải pháp cho phát triển logistics xanh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực logistics đặc biệt là trong xu hướng số hoá và logistics xanh.
Hợp tác phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững
Chia sẻ về tiềm năng trong phát triển logistics cho nông sản sang thị trường Australia, PGS TS Hồ Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thông tin, trong 5 năm gần đây (giai đoạn 2018-2022), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Australia đạt mức tăng trưởng trung bình trên 10%/năm.
Một số loại trái cây như xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê. Cụ thể, mặt hàng trái cây tăng trưởng rất mạnh, với mức tăng 200% so với năm 2018; Mặt hàng cà phê tăng trưởng hơn 150% so với năm 2018... Đây là cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phù hợp, đặc biệt cho mặt hàng nông sản.
PGS TS Hồ Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) phát biểu tại diễn đàn. |
Nghiên cứu khảo sát từ Chủ sở hữu hàng hóa (CO) và Nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023 cho thấy, trong lĩnh vực logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ và 44,23% đánh giá rất tốt, 25% đánh giá tốt.
Doanh nghiệp nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh, tuy nhiên, đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Australia, như chi phí cao và chính sách nhận hàng.
Để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, PGS TS Hồ Thu Hòa đề xuất doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân viên, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Song song đó, cần cần cải thiện cơ sở hạ tầng logistics, tăng cường vận chuyển thân thiện với môi trường và kết nối giữa các tổ chức để thúc đẩy phát triển logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Craig Luxton, Giám đốc Công ty Luxton & Co cho rằng, logistics xanh là xu hướng và yêu cầu tất yếu để hoàn chỉnh chuỗi cung ứng xanh từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tác động môi trường.
Đầu tiên, logistics có sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển và đóng gói. Việc giao hàng chặng cuối, mặc dù quan trọng lại góp phần vào ô nhiễm và tắc nghẽn đô thị.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng hiện tại là một rào cản, khi sự hiện diện của các trạm sạc ô tô điện hoặc bơm hydro không đủ để hỗ trợ mạng lưới giao hàng không phát thải rộng rãi. Chi phí đầu tư cho chuyển đổi logistics xanh ban đầu cao cũng là một rào cản đáng kể. Việc theo dõi lượng khí thải carbon từ các nguồn gián tiếp rất khó khăn.
Đối với dược phẩm, ông Craig Luxton cho biết, việc nhận thức về yêu cầu đặc biệt của sản phẩm dược khiến cho việc thiết kế chuỗi cung ứng xanh trở nên phức tạp nhưng rất quan trọng. Điều này bao gồm hiểu rõ về nhu cầu lưu trữ đặc biệt của dược phẩm, như kiểm soát nhiệt độ để bảo quản hiệu suất và giảm lãng phí do thời hạn sử dụng ngắn. Nguyên tắc chuỗi cung ứng xanh bao gồm giảm lãng phí thông qua tối ưu hóa bao bì, vận chuyển năng lượng hiệu quả, và triển khai chương trình tái chế.
“Để thiết kế và vận hành logistics xanh trong xuất nhập khẩu dược phẩm, các bên liên quan phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Theo đó nhà cung cấp đảm bảo có nguồn nguyên liệu bền vững, đối tác logistics có kế hoạch tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển"
Đồng thời, ông Craig Luxton cũng cho rằng các mắt xích trong chuỗi cung ứng cần phải ứng dụng phân tích dữ liệu để dự báo tốt hơn, đầu tư vào công nghệ chuỗi lạnh tiết kiệm năng lượng, khám phá chuỗi cung ứng trong việc theo dõi và tăng tính minh bạch trong chuỗi.
Bên cạnh đó, cần đặt ra mục tiêu rõ ràng, bắt đầu với việc tối ưu hóa hiệu suất và sản xuất, xem xét các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, và xây dựng lộ trình cho một tương lai xanh hơn. Việt Nam có thể áp dụng các thực hành tương tự, tuy nhiên nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.