Nhóm ngân hàng phát triển tài trợ 2,2 tỷ USD để phát triển bền vững ĐBSCL

QUY HOẠCH ĐBSCL
15:01 - 21/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm 6 ngân hàng phát triển (WB, ADB, AFD, KfW, JICA, KEXIM) đã cam kết tài trợ danh mục 20 dự án phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức khoảng 2,2 tỷ USD, gồm nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.

Trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự Lễ trao Hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, toàn bộ các dự án của hai Bộ và 13 tỉnh, thành phố đã được 6 ngân hàng phát triển bày tỏ quan tâm; với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khoản tài trợ 2,2 tỷ USD có vai trò là nguồn vốn "mồi" để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Theo dự kiến, danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài.

Đại diện 6 ngân hàng cam kết tài trợ một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch ĐBSCL. Ảnh: VGP
Đại diện 6 ngân hàng cam kết tài trợ một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch ĐBSCL. Ảnh: VGP

Để thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 460.000 tỷ đồng.

Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn...

Phát biểu tại Hội nghị, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, với nhu cầu vốn tối thiểu dự kiến lên đến 57 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để thực hiện các dự án đầu tư trong quy hoạch, điều quan trọng là phải có tầm nhìn khu vực, trong đó tập trung vào thực hiện những hành động mang tính cấp bách và mang lại tác động to lớn. Điều này có nghĩa là cần đảm bảo các nguồn lực tài chính hiện có được sử dụng hiệu quả hơn, tối đa hóa các đồng lợi ích về xã hội và môi trường.

Trên cơ sở Quy hoạch vùng, bà Carolyn Turk đề xuất tiếp tục sắp xếp thứ tự ưu các dự án đầu tư cấp vùng, phân bổ ngân sách để chuẩn bị các dự án đã lên kế hoạch và đơn giản hóa các quy trình phê duyệt để nâng cao tính sẵn sàng, đảm bảo quyền làm chủ cũng như trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án ưu tiên. Đánh giá cao việc Chính phủ đã chú trọng huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, bà Carolyn Turk mong rằng sớm có các quy định pháp lý và cơ chế thể chế cần thiết để tăng cường nguồn vốn tư nhân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù đã nhận được nguồn vốn đầu tư phát triển lớn, việc thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL chỉ có thể đạt kết quả cao nhất nếu huy động thành công các dự án đầu tư từ mọi thành phần kinh tế và khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân.

Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tập trung đầu tư lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: Đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp