Nhiều kẻ lừa đảo đang thiết lập nên các chương trình xổ số hoặc rút thăm trúng thưởng giả để lừa tiền người hâm mộ Olympic 2022. Ảnh: AP |
Có một số kiểu được giới lừa đảo Trung Quốc sử dụng phổ biến nhằm lừa tiền những người nhẹ dạ muốn tham gia vào Thế vận hội Mùa đông và mua những món đồ lưu niệm cho sự kiện 4 năm mới có một lần này.
Rút thăm trúng thưởng giả
“Xin chúc mừng, bạn đã trúng giải độc đắc thuộc chương trình xổ số Thế vận hội Mùa đông của công ty chúng tôi, bao gồm giải thưởng tiền mặt trị giá 2.956,39 USD và một máy tính xách tay trị giá 1.572,55 USD!” là một trong những tin nhắn lừa đảo mà người dùng Internet có thể nhận được.
Sau khi nhận được tin nhắn này, những kẻ lừa đảo thường sẽ yêu cầu người nhận gửi một khoản tiền phí bưu điện để nhận giải thưởng. Kết cục cuối cùng là nạn nhận phải trả một số tiền lớn mà không nhận được bất cứ thứ gì.
Ngoài các công ty không tồn tại, một số thông điệp đó có thể đến từ các trang web giả danh là nhà tổ chức chính thức. Những kẻ lừa đảo sẽ thiết lập các chương trình xổ số đối với các sản phẩm phổ biến như tem bưu chính phiên bản giới hạn và tiền xu kỷ niệm. Người dùng sẽ phải đăng ký thông tin của mình để tham gia vào các chương trình này và đây cũng chính là cách mà tiền cũng như các thiết bị điện tử của nạn nhân bị tấn công và đánh cắp.
Ủng hộ cho các vận động viên gặp khó khăn
Khi sử dụng phương pháp này, những kẻ phạm tội sẽ lợi dụng sự đồng cảm của người dân Trung Quốc bằng cách thêu dệt nên những câu chuyện đẫm nước mắt về các vận động viên. Nội dung câu chuyện chủ yếu kể về những vận động viên với giấc mơ vô địch Olympic nhưng không có đủ quyền lợi và không có đủ nguồn lực để thực hiện giấc mơ của mình.
Khi người dùng rơi vào cái bẫy này, họ sẽ được yêu cầu hỗ trợ tài chính trên các trang web bị nhiễm virus và làm theo các bước để quyên góp trên đó.
Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ diễn ra trong một bong bóng khép kín và không mở cửa với công chúng nhằm tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Ảnh: AP |
Vé tham dự sự kiện
Tất cả các vé được bán trực tuyến đều là giả. Nguyên dân do Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ được diễn ra trong một bong bóng khép kín và không mở cửa cho công chúng.
Cách tiếp cận này là một phần của nỗ lực nhằm để giảm thiếu tới mức tối đa sự lây lan Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới có khả năng lây lan cao Omicron tới người dân địa phương. Do đó, các vận động viên, đội hỗ trợ và những người tham gia có liên quan sẽ phải ở trong một bong bóng bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài.
Vẫn có những khán giả được mời riêng bởi ban tổ chức Thế vận hội và chính quyền Trung Quốc, tuy nhiên vé của họ không thể bán lại.
Hồng bao từ những người tham gia Olympic
“Hồng bao” là một chức năng phổ biến trên ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc. Chức năng này sẽ cho phép người dùng gửi một số tiền nhỏ cho bạn bè của mình và đôi khi, các nhân vật công chúng cũng gửi hồng bao cho người hâm mộ để thể hiện tình cảm và sự biết ơn. Hồng bao thường được phát rộng rãi vào dịp Tết Nguyên đán, bắt đầu từ đầu tháng này.
Những kẻ lừa đảo sử dụng hình thức này sẽ mạo danh là những người tặng tiền hào phóng. Chúng sẽ yêu cầu người hâm mộ chuyển tiếp các liên kết thanh toán tới những người dùng khác để có thể nhận được khoản tiền cho mình. Tuy nhiên, tiền sẽ không bao giờ đến và thay vào đó, nạn nhân sẽ bị ngập trong quảng cáo và bị đánh cắp thông tin.
Linh vật Băng Đôn Đôn được xếp vào hộp để vận chuyển đi tại Tấn Giang, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: AP |
Đồ lưu niệm giả
Nếu có một lý do khiến nhiều người chấp nhận xếp hàng qua đêm để có thể mua được đồ chơi nhồi bông linh vật Olympic Băng Đôn Đôn thì đó chính là vì nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung có hạn.
Theo những người hâm mộ xếp hàng bên ngoài các cửa hàng bán đồ lưu niệm chính thức ở Bắc Kinh, mỗi người chỉ có thể mua một món đồ chơi Băng Đôn Đôn. Hơn nữa, một ngày chỉ có 300 chiếc đồ chơi được bán ra. Do đó, nếu trên mạng xuất hiện số lượng lớn các món đồ chơi này với giá rẻ, có khả năng đó không phải là hàng thật.
Do tình trạng lừa đảo liên quan tới Thế vận hội Bắc Kinh 2022 ngày càng trở nên phổ biến, chính quyền Trung Quốc đã phải ra khuyến cáo người dân không vội vàng đăng ký bất cứ ưu đãi đặc biệt nào trên Internet và phải “hết sức thận trọng; không rơi vào bẫy” của những kẻ phạm tội.
Ngoài ra, khi được yêu cầu trả tiền đặt cọc hoặc phí xử lý dịch vụ, có khả năng cao nạn nhân đang ở trong những bước đầu của quá trình lừa đảo. Nguyên nhân là do các nhà tổ chức thường chịu hết tất cả các chi phí của một cuộc rút thăm trúng thưởng và người nhận không phải chi trả bất cứ chi phí nào.