Phân bón, dầu khí tăng kịch trần không giữ nổi mốc 1.500 điểm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
16:49 - 07/03/2022
Giá dầu leo thang giúp nhóm cổ phiếu nhóm này hưởng lợi.
Giá dầu leo thang giúp nhóm cổ phiếu nhóm này hưởng lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Việc giá dầu tăng dựng đứng gần 10%, tiến sát 130 USD/thùng đã khiến cổ phiếu nhóm dầu khí và phân bón hôm nay tiếp tục đua sắc tím. Tuy nhiên, dòng tiền lại bị rút mạnh khỏi các nhóm chủ chốt khác nên VN-Index kết phiên trong sắc đỏ.

Giá dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 8% vào đầu phiên giao dịch 7/3, khi thị trường tiếp tục phản ứng trước sự gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng từ cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine và khả năng dầu, khí đốt Nga bị cấm vận. Cụ thể, giá dầu thô WTI giao dịch cao hơn 8% lên trên 125 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Giá dầu Brent cũng tăng hơn 9% lên 128,60 USD/thùng, đây cũng là mức giá cao nhất kể từ năm 2008.

Chính từ diễn biến giá dầu mà cổ phiếu dầu khí hôm nay lại có phiên giao dịch rộn ràng. PTV, PTB, PVC, PVD đồng loạt tăng kịch trần với khối lượng dư mua khi kết phiên đều ở mức cao. Ngoài TOS đứng giá thì các mã khác cũng tăng mạnh: OIL, POS +8%, PVS +6,9%, BSR +5,7%, GAS +5,6%, PLX +3,6%.

Cùng với nhóm dầu khí, nhóm phân bón cũng được hỗ trợ bởi động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.

Kết phiên, DCM, DPM, CSV, BFC, LAS, PMB, PSW là những mã tăng kịch trần. DDV cũng tăng tới 11,5%, trong khi LTG +7,5%, DGC +6,9%, PCE +9%, SFG +3,1%, PLC +2,3%...

Bên cạnh dầu khí và phân bón, nhóm than và thép cũng tiếp tục có phiên giao dịch tích cực. Than ghi nhận hàng loạt mã kết phiên trong sắc tím như TVD, NBC, DHM, BMC, TMS, KSQ, TC6, HLC, THT, TND, MDC…; nhiều mã khác cũng tăng từ 4-6% như PSB, KHB, BKC, MSR, VIM… Còn thép chỉ có VIS ở chiều giảm, các mã còn lại đều tăng từ 2-4%, “anh cả” HPG +2,6% trong khi HSG +4%, NKG +3,4%.

Mặc dù có nhiều nhóm tăng tốt nhưng VN30 và các nhóm chủ chốt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều bị rút tiền mạnh nên chỉ số VN-Index đã tụt khỏi mốc 1.500, về 1499.05, tương đương với giảm 6 điểm so với phiên cuối tuần trước. UPCoM cũng giảm nhẹ 0,07 điểm trong khi HNX-Index vẫn tăng được 2,3 điểm, lên 452.86. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 37.814 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ so với phiên kế trước.

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index hôm nay. SSI

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index hôm nay. SSI

Chỉ số VN30 hôm nay giảm tới 16 điểm, về mốc 1509.12. Chỉ còn 7/30 mã giữ được sắc xanh khi kết phiên là FPT, GAS, GVR, HPG, PLX, PNJ, SSI. Tăng tốt vẫn là những mã thuộc nhóm hàng hóa đang tăng giá: GAS, PLX, HPG.

Như vậy là không còn mã bank lớn nào còn giữ được chiều tăng trong phiên hôm nay. Xét theo nhóm cũng chỉ còn EIB đi ngược lại xu thế, tăng 5,9%. Các mã giảm mạnh là TPB -4,3%, KLB -3,2%, ACB -3,1%, BID -2,4%, MBB, HDB -2,1%...

Nhóm chứng khoán cũng tương tự. Sắc xanh rải rác ở ART, FIT, HAC, PSI, SSI, TVC, VIX, VUA. Trong đó PSI tăng tốt nhất với 4,2%, ART cũng tăng được 2,8%, TVC +2,2%, còn các mã khác tăng nhẹ. Ngoài ra còn có OGC tăng trần. Chiều giảm mạnh nhất là BVS -4,3%, VDS -3,9%, SBS -3,2%, BSI -3%, IVS -2%...

Nhóm xây dựng và bất động sản vẫn có 14 mã tăng trần, 90 mã tăng giá nhưng chủ yếu là các mã nhỏ nên không đủ để giữ cán cân cho nhóm. Hầu hết các mã lớn đều ở chiều giảm giá khi kết phiên: VHM -2,2%, VIC -0,6%, NVL -1,3%, DIG -2,2%, PDR -1,1%, SSH -2,7%, BCM -2,9%, VRE -2,5%, THD -0,7%, KDH -1,5%, KSF -0,7%, KBC -3%...

Phiên hôm nay, áp lực bán tiếp tục đè nặng lên nhóm cổ phiếu hàng không với ACV giảm 4,3%, VJC giảm 3,7%, HVN giảm 2%... khi nhà đầu tư tỏ ra lo ngại trước đà tăng chóng mặt của giá nhiên liệu và đòn cấm bay từ Nga và một số nước phương Tây.

Kết phiên, khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.471 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó FUEVFVND và NLG là hai mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng 275 triệu đồng, trong đó SCI là mã bị bán ròng nhiều nhất.

Nhìn chung, chứng khoán Việt Nam hôm nay giao dịch kém tích cực cùng xu hướng của thị trường châu Á. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương có lúc giảm 2,8% trong ngày 7/3. So với đỉnh tháng 2/2021, chỉ số này đã giảm hơn 20%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng, trong khi chỉ số theo dõi cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng mất hơn 3% và nằm trong nhóm có thành tích tệ nhất trong khu vực.

Lĩnh vực công nghệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất. Nguyên nhân xuất phát từ nỗi lo về cú sốc lạm phát trên toàn cầu, khi giá dầu tăng kỷ lục. “Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục chi phối tâm lý thị trường và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hai bên đã có giải pháp. Giá dầu cao có thể đe dọa tới biên lợi nhuận của các công ty và triển vọng chi tiêu tiêu dùng ngay khi Fed đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng cao”, Jun Rong Yeap, Chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.