Công bố thông tin là 'sống còn' với thị trường chứng khoán

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
07:00 - 06/03/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Nguyên tắc của việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là phải đầy đủ, chính xác, kịp thời và liên tục.

Chia sẻ tại chương trình "Directors Talk: Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và vai trò của HĐQT" do VIOD tổ chức ngày 4/3, Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, về nguyên tắc việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là thông tin phải công bố đầy đủ và chính xác; kịp thời và liên tục; đồng thời đảm bảo công bằng đối với các đối tượng nhận; quy trách nhiệm đối với bên công bố thông tin.

Trong năm qua, UBCKNN đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán nhất là các hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, hoạt động giao dịch và công bố thông tin. Cụ thể, trong năm 2021, cơ quan quản lý đã ban hành 568 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng tiền phạt là 2,95 tỷ đồng, trong đó các vi phạm chủ yếu là về công bố thông tin.

Nói thêm về tình hình trên, bà Tạ Thanh Bình cho hay, nhìn chung doanh nghiệp nắm bắt tốt, làm tốt hơn trong việc công bố thông tin, góp phần cải thiện tính minh bạch trên thị trường. Số lượng công ty tuân thủ, cung cấp, bổ sung thông tin kịp thời gia tăng; ngược lại tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin giảm so với năm 2020.

“Công bố thông tin có ý nghĩa sống còn đối với thị trường chứng khoán. Tại Việt Nam, chất lượng công bố thông tin đã có thay đổi đáng kể trước hết về số lượng doanh nghiệp niêm yết thực hiện nghĩa vụ và chất lượng của thông tin công bố ở cả ba khía cạnh: đầy đủ - chính xác - kịp thời”- bà Tạ Thanh Bình nói.

Về những điểm mới trong quy định về công bố thông tin, Bà Bình cho biết, đối với báo cáo quản trị công ty, trước đây chỉ áp dụng công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn, trong quy định mới phải mở rộng phạm vi, tất cả các công ty đại chúng phải thực hiện báo cáo về tình hình quản trị công ty theo mẫu tại Phụ lục Thông tư 96 trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm và kết thúc năm dương lịch, có nghĩa 1 năm thực hiện công bố 2 lần.

Thứ hai, đối với nghĩa vụ công bố thông tin bất thường của công ty niêm yết, công ty đại chúng, về mặt thời hạn vẫn giữ nguyên như cũ tức là vẫn công bố thông tin trong 24 giờ, tuy nhiên có một số điều chỉnh trong nội dung công bố thông tin.

Chẳng hạn như bỏ quy định công bố thông tin về quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu dẫn đến tổng giá trị các khoản vay của công ty có giá trị từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên, tính tại báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét. Do Luật Chứng khoán 2019 không quy định và thực tiễn phát sinh nhiều vướng mắc trong xác định thời hạn công bố, hạn mức công bố, thời điểm công bố.

Thứ ba, bỏ quy định công bố thông tin về vốn góp của chủ sở hữu bị giảm từ 10% trở lên hoặc tổng tài sản bị giảm từ 10% trở lên tại báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét. Do Luật Chứng khoán 2019 không quy định, số liệu được phản ánh tại báo cáo tài chính đã được công bố thông tin và khó xác định thiệt hại trong trường hợp bất thường trong thời hạn 24 giờ.

Đặc biệt, điểm đáng chú ý trong quy định của UBCKNN tại Thông tư 96/2020/TT-BTC là quy định các công ty đại chúng và niêm yết phải công bố trong báo cáo thường niên về tác động liên quan đến môi trường và xã hội. Trong đó phải đo lường và báo cáo tổng lượng phát thải khí nhà kính một cách trực tiếp và gián tiếp.

Giải thích về điểm mới này, ông Vũ Quang Thịnh - Thành viên HĐQT VIOD, Giám đốc điều hành công ty quản lý Quỹ Dynam Capital cho hay, đây là làn sóng đầu tư có trách nhiệm cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu nguyên nhân do khí phát thải nhà kính (CO2).

Vấn đề này với thế giới đã không còn mới, được quan tâm từ năm 1997. Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam cũng đã có cam kết với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về 0. Thực tế, lượng phát thải ròng sinh ra chủ yếu do hoạt động kinh tế, và chủ thể trực tiếp chính là các công ty.

"Muốn cắt giảm phát phải ròng thì phải đo lường, và đầu tiên và quan trọng nhất chính là những công ty lớn đang niêm yết" - ông Thịnh nói.

Bà Tạ Thanh Bình thông tin thêm, Nghị định sửa đổi Nghị định 153 sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới, có ý nghĩa quan trọng, cải thiện tính minh bạch thông tin, tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, bất chấp những diễn biến không thuận lợi của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức hai con số.

Số liệu thống kê cho biết, tăng trưởng kép bình quân của thị trường này giai đoạn 2017 - 2021 đạt xấp xỉ 55%, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đạt 657 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, chưa tính 1,43 tỷ USD trái phiếu huy động trên thị trường nợ quốc tế.

Hoạt động phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ, chiếm hơn 95% tổng giá trị phát hành. Hoạt động phát hành đại chúng diễn ra không đáng kể do các quy định về hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng có điều kiện chặt chẽ và đòi hỏi cao hơn để được cấp giấy phép đăng ký phát hành trái phiếu ra công chúng.

Do đó, nếu như các điểm đề xuất sửa đổi trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP được thông qua sẽ thắt chặt điều kiện tham gia phát hành trái phiếu. Thị trường này có thể kém sôi động hơn, nhưng sẽ tăng chất lượng và tính minh bạch khi phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng và sự hoàn thiện khung pháp lý đối với việc phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.