Quan điểm: 'Có thể chấp nhận mất giá VND trong ngắn hạn để hạ lãi suất'

LẠM PHÁT Việt nAM
15:10 - 02/03/2023
Quan điểm: 'Có thể chấp nhận mất giá VND trong ngắn hạn để hạ lãi suất'
0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá lạm phát năm 2023 sẽ không quá đáng ngại, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng có thể chấp nhận mất giá VND trong ngắn hạn để hạ lãi suất. Bởi việc để lãi suất cao để bảo vệ tỷ giá sẽ không kích thích được tiêu dùng và đầu tư trong nước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 đã tăng 0,45% so với tháng trước đó. Việc giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính khiến CPI có mức tăng như vậy.

Ở góc độ khác, CPI tháng 2/2023 tăng 0,97% so với tháng 12/2022 và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tốc độ tăng CPI đang hạ nhiệt?

Trao đổi với Mekong ASEAN xung quanh vấn đề lạm phát và câu chuyện của lãi suất, PGS. TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, mức tăng CPI tháng 2/2023 là điều không quá bất ngờ khi một số mặt hàng vẫn duy trì mặt bằng giá cao sau dịp Tết Nguyên Đán, cộng thêm hai lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong tháng kéo CPI tăng lên.

Tuy nhiên, ở mặt tích cực, theo TS Phạm Thế Anh, lạm phát đang cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt, CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước, trong khi CPI tháng 2/2023 chỉ tăng 0,45% so với tháng 1/2023.

Nếu nhìn vào lạm phát lõi, loại trừ biến động của giá nhiên liệu và thực phẩm, so với tháng trước, lạm phát chỉ tăng 0,25% và cũng đang trên đà giảm.

Theo nhận định của TS Phạm Thế Anh, lạm phát năm 2023 sẽ có nhiều điểm khác năm trước. Nếu tính yoy (year on year - so với cùng kỳ năm trước), tháng 1/2023 sẽ là đỉnh lạm phát của Việt Nam. Từ giữa năm trở đi, mức lạm phát sẽ chỉ quanh mức 3,5%.

Giải thích cơ sở cho nhận định trên, ông Phạm Thế Anh cho biết đến từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, thu nhập người dân đang giảm sút, do những tác động của bối cảnh bất lợi của kinh tế thế giới, dẫn đến tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, khiến sức cầu tiêu dùng của Việt Nam cũng tăng chậm lại, thậm chí suy giảm. Mặt khác, nhu cầu từ thị trường xuất khẩu cũng giảm. Theo đó, sức ép giảm giá là hiện hữu.

Thứ hai, cầu tiêu dùng giảm do thị trường tài sản của Việt Nam đang có sự giảm giá mạnh. Thông thường, tài sản quyết định rất nhiều đến chi tiêu của người dân. Khi giá tài sản nắm giữ tăng cao, người dân sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, và ngược lại, khi giá trị tài sản bị co hẹp, việc thắt chặt chi tiêu là một tất yếu, vị chuyên gia này phân tích.

Thứ ba, với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay, chi phí cơ hội của tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn, người dân sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn và điều này làm ảnh hưởng đến sức cầu.

Mặt khác, giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới đã qua mức đỉnh khi các quốc gia thích ứng với cú sốc chiến tranh, bệnh dịch. Theo đó, mặt bằng giá cả thế giới và trong nước khó vọt tăng đột biến.

Ngoài ra, theo TS. Thế Anh, về tăng trưởng tiền tệ, NHNN Việt Nam duy trì chính sách thận trọng khi tăng trưởng cung tiền năm 2022 rất thấp chỉ dưới 4%. Trong khi những năm trước đó, tăng trưởng cung tiền lên tới 14-15%.

"Đáng nói, đây là yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát trong dài hạn và có độ trễ nhất định. Vì vậy, theo tôi yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ không quá đáng ngại trong năm 2023," TS Thế Anh nói.

Ảnh tác giả

LẠM PHÁT BỚT CĂNG THẲNG

Ngay cả khi trong năm 2023 sẽ có một số yếu tố làm tăng lạm phát như việc tăng lương, tăng giá điện,... thì xu hướng cầu tiêu dùng yếu cũng làm giảm mức tăng của lạm phát. Lạm phát trong năm 2023 không phải vấn đề quá lớn.

PGS. TS Phạm Thế Anh.

... đến câu chuyện về phản ứng chính sách

Phân tích thêm về lạm phát, lãi suất và chính sách của NHNN, theo PGS. TS Phạm Thế Anh, lạm phát kéo theo lãi suất và tỷ giá. Lãi suất của Việt Nam căn cứ vào 2 yếu tố là lạm phát và lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Với lạm phát, như đã phân tích ở trên, không còn đáng lo ngại, ông Thế Anh nói.

Tuy nhiên, mục tiêu của NHNN hiện nay ngoài kiểm soát lạm phát còn muốn bảo vệ tỷ giá trong nước. Trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất kéo theo VND mất giá, do vậy, để bảo vệ tỷ giá, phải neo lãi suất ở mức cao.

Song, thực tế quan sát, mức lãi suất điều hành chính sách của Mỹ hiện đã lên tới 4,75%, tương đối cao, có thể coi là vùng đỉnh. Do vậy, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ chỉ tăng lãi suất lần nữa vào tháng 3 năm nay và mức tăng chỉ khoảng 0,25%.

Chưa kể, lạm phát của Mỹ đang trên đà giảm dù khởi đầu năm 2023 với tốc độ giảm chậm, nhưng từ những tháng sau dự báo tiếp tục giảm và đến giữa năm có thể xuống dưới mức 4%.

"Với Việt Nam, nếu NHNN muốn hạ lãi suất ngay thì phải chấp nhận VND mất giá trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tháng. Sau đó, khi các vấn đề về lạm phát ở Mỹ, Việt Nam đã hiện thực hóa rõ ràng bằng những con số thấp, ngân hàng Trung ương Mỹ dừng thắt chặt định lượng, thậm chí quay đầu giảm lãi suất những tháng cuối năm thì lúc đó VND có thể tăng giá trở lại", TS Phạm Thế Anh nói với Mekong ASEAN.

Như vậy, vị chuyên gia này cho rằng, câu chuyện ở đây là quan điểm điều hành, khẩu vị đối với sự lựa chọn, đánh đổi giữa hạ lãi suất hay bảo vệ tỷ giá trong ngắn hạn của cơ quan điều hành.

"Quan điểm của tôi là có thể chấp nhận mất giá VND trong ngắn hạn để hạ lãi suất. Bởi, việc để lãi suất cao để bảo vệ tỷ giá sẽ không kích thích được tiêu dùng và đầu tư trong nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang yếu từ bên ngoài, xuất khẩu khó khăn. Do đó, cầu trong nước nên được bù đắp bằng đầu tư công, hạ lãi suất", PGS. TS Phạm Thế Anh nêu quan điểm.

Theo ông Thế Anh, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, lãi suất ở mức cao đẩy chi phí sản xuất, chi phí vốn của doanh nghiệp lên cao. Một khi doanh nghiệp vay vốn nhưng không đủ khả năng bù đắp chi phí vốn sẽ dễ phát sinh nợ xấu ngân hàng. Đặc biệt là những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm đầu ra như các doanh nghiệp bất động sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp