Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố để trở thành đầu mối logistics quan trọng

logistics quảng ninh
12:30 - 04/03/2023
Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố để trở thành đầu mối logistics quan trọng.
Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố để trở thành đầu mối logistics quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực này của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Ngày 4/3, tại Quảng Ninh, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức "Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh". Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò hết sức quan trọng kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với Quảng Ninh, một tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, vẫn được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Quảng Ninh còn có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế để phát triển ngành dịch vụ logistics.

“Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế” Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Diên, thực tế những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, logistics Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, những năm qua, Quảng Ninh kiên trì theo đuổi mục tiêu thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”, đặc biệt là sau khi khánh thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và các tuyến giao thông liên vùng để mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển và logistics.

"Những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị"

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng cho hay, tỉnh đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trên địa bàn tỉnh, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics vùng, liên vùng, nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh/thành phố trong cả nước, phát huy vai trò là cửa ngõ của Việt Nam và ASEAN sang thị trường.

Với lợi thế vượt trội về vị trí địa - kinh tế, chiến lược, có đủ các loại hình giao thông, hệ thống cửa khẩu quốc gia và quốc tế, Trung ương đã xác định phát triển Quảng Ninh là một trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành một trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.

Trình bày tại hội nghị ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, bên cạnh những điểm mạnh và kết quả đạt được, với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn thẳng thắn nhận diện, chỉ ra những hạn chế, "điểm nghẽn" trong phát triển dịch vụ logistics để từ đó có phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra những giải pháp cải thiện.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng 6 trung tâm logistics lớn của tỉnh, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics; phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển; quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp uy tín đến với tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các nghiệp vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế…

Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Quảng Ninh, trước hết, quan tâm chỉ đạo, quán triệt sâu sắc định hướng theo Nghị quyết số 163/NQ-CP về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và Quyết định số 80/QĐ-TTg về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ xây dựng thực hiện các kế hoạch phát triển logistics.

Tạo quỹ đất hợp lý để phát triển trung tâm logistics trên địa bàn. Ban hành mới các chính sách khuyến khích đột phá, bố trí “vốn mồi” thu hút đầu tư. Ưu tiên phát triển trung tâm logistics thế hệ mới, công nghệ cao.

Tiếp tục tái cơ cấu các ngành, tăng cường xúc tiến thương mại đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các FTA, lợi thế địa lý kết nối vận tải đa phương thức hình thành chuỗi logistics…

Phát triển nhân lực cho ngành logistics, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

"Hy vọng rằng, sau diễn đàn này, chúng ta sẽ được chứng kiến những làn sóng đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở cả trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn trong tương lai", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Sở Công Thương Quảng Ninh và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) về hợp tác, hỗ trợ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Ninh ký MOU (biên bản ghi nhớ) với CTCP Tư vấn và Dịch vụ Viettel về hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ký MOU với CTCP Nam Tiền Phong (tên cũ là CTCP Deep C Nga) về hợp tác phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

CTCP Vinafco ký MOU với CTCP Thành Đạt về hợp tác phát triển dịch vụ logistics và khai thác cảng Vạn Ninh.

Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) ký MOU với Trường Đại học Hạ Long về hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành logistics.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.