Quy hoạch phải đi trước một bước
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia ngày 9/1/2023 ghi một dấu mốc quan trọng đối với công tác quy hoạch, được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".
Lần đầu tiên, Việt Nam có một quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030.
Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, nhưng đây cũng là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể. Để từ đó, định hướng bố trí, sắp xếp nguồn lực, không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới và theo đuổi các động lực phát triển mới, cùng hướng đến mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Thủ tướng cho rằng, có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế, xã hội.
Ngay từ khi phác thảo những nét đầu tiên cho bản quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ví von: "Mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững, phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp chúng ta có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước."
Xác lập tư duy về phát triển có trọng tâm, trọng điểm
Quy hoạch Tổng thể quốc gia xác định mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Bởi thế, câu hỏi đặt ra là, không gian phát triển quốc gia sẽ được định hình như thế nào trong bối cảnh nguồn lực phát triển có hạn?
Một quan điểm rất rõ ràng đã được xác định ngay từ đầu, trong giai đoạn đến năm 2030, hai trong số nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch Tổng thể quốc gia chính là tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Ưu tiên đầu tư cho một số vùng có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học - công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có.
Các khu vực này sẽ phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu kích thích những vùng khác cùng phát triển, để đến giai đoạn sau năm 2030, sẽ dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
Nghị quyết số 81/NQ-QH xác định 6 vùng kinh tế - xã hội với định hướng phát triển theo thế mạnh từng vùng. Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định phát triển 4 vùng động lực gồm: vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu.
Những bước chuyển mình đầu tiên
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (từ tháng 2/2022) mở ra nhiều không gian, động lực phát triển mới. Năm 2023, tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước, đạt 13,45%. Bình quân 3 năm 2021-2023, tỉnh Bắc Giang đạt tốc độ tăng trưởng trên 14%/năm.
Nhiều công trình, dự án lớn, nhất là các công trình giao thông đối nội, đối ngoại quan trọng tiếp tục được đầu tư tại Bắc Giang. Đơn cử, nút thắt cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và tuyến giao thông huyết mạch QL31 gây ra rất nhiều khó khăn những năm qua đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã kịp thời giải quyết vấn đề thiếu mặt bằng sạch để thu hút đầu tư sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tỉnh thành lập mới thêm 2 khu công nghiệp và mở rộng 2 khu công nghiệp.
Môi trường đầu tư của địa phương cũng không ngừng được cải thiện. Những năm gần đây, Bắc Giang trở thành một "điểm nóng" về thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực phía Bắc. Năm 2023, Bắc Giang đã thu hút được hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ tư cả nước về thu hút đầu tư FDI.
Mỗi quy hoạch tỉnh được phê duyệt như một ngọn đuốc soi tỏ để các địa phương sẽ biết cách để tận dụng tiềm năng, lợi thế và có giải pháp để biến kế hoạch trên giấy thành hiện thực. Đây chính là nhiệm vụ sống còn, để không bỏ lỡ cơ hội phát triển, khi mà một thời kỳ phát triển mới đang được mở ra.
Nghị quyết 61 tháo gỡ khó khăn
Cũng phải nhìn nhận, công tác quy hoạch tổng thể lần đầu tiên triển khai không phải không gặp một số vướng mắc. Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng tính đến cuối năm 2023 nhiều quy hoạch vẫn đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt.
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6, trước chất vấn đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) về công tác lập quy hoạch có vai trò quan trọng nhưng kết quả thực hiện còn chậm, gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận, công tác lập quy hoạch lúc đầu có vướng mắc.
Theo Bộ trưởng Dũng, việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch là nhiệm vụ mới, phức tạp, có tính chất tích hợp, cần thay đổi cả tư duy lẫn cần hướng dẫn cụ thể, do vậy, thời gian đầu đã bị chậm. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội thì vướng mắc đã được giải quyết, tiến độ lập quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn.
Theo thống kê, tính đến nay có hơn 50 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc các quy hoạch được phê duyệt cùng hoạt động xúc tiến đầu tư được diễn ra sôi động là bước khởi đầu cho dòng đầu tư lớn trong nước và nước ngoài vào các địa phương. Đơn cử như Khánh Hòa đã thu hút được 116.500 tỷ đồng trong Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023, Quảng Bình thu hút được hơn 112.000 tỷ đồng…
Còn nhiều vất vả
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công tác quy hoạch được ví như "người công binh mở đường". Cũng có nghĩa là, nếu mở đường thắng lợi, thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu làm không tốt sẽ dẫn đến thất bại.
Chưa kể, quy hoạch chỉ là "bộ khung", mang tính chất định hướng và có tầm nhìn dài hạn về phương hướng phát triển, tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội và phân bổ nguồn lực của địa phương. Câu hỏi đặt ra là, làm sao để hình hài Việt Nam vẽ trên bản quy hoạch hiện ra chân thực nhất, nguồn lực còn hạn chế của Việt Nam sẽ được tận dụng tốt nhất?
Đi cùng với thể chế, chính sách mở đường, cần có sự quyết tâm của từng vùng, từng địa phương, từng cán bộ. Một bản quy hoạch tốt đến đâu còn phụ thuộc vào việc bản quy hoạch ấy sẽ được hiện thực hóa như thế nào, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ra sao. Thế nhưng, trên con đường vẽ nên hình hài các công trình bề thế, hoàn thiện hạ tầng khang trang, hiện đại của đất nước cần sự nỗ lực, hành động xen lẫn niềm tự hào của hàng chục triệu con người Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương nhấn mạnh: "Nhiệm vụ năm 2024 rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang".
Sau giai đoạn phục hồi, sẽ là cơ hội để bứt tốc, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai. Các cơ chế, chính sách để phát triển các ngành kinh tế, vùng kinh tế, các đầu tàu kinh tế, đặc biệt là Quy hoạch Tổng thể quốc gia… được kỳ vọng sẽ là "chìa khóa" để Việt Nam đi tới phồn vinh và hạnh phúc.