Quy hoạch vùng và quốc gia là cơ hội sắp xếp lại không gian phát triển

QUY HOẠCH Việt nAM
12:18 - 17/06/2022
Quy hoạch vùng và quốc gia là cơ hội sắp xếp lại không gian phát triển
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn 7%/năm như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo một quy hoạch bài bản, có tầm nhìn dài hạn, dựa trên tổ chức không gian phát triển hợp lý cả ở cấp quốc gia và cấp vùng.

Trao đổi tại Diễn đàn Báo chí và truyền thông trong hành trình phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 17/6, Viện trưởng viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang đã chia sẻ về công tác quy hoạch. Theo ông, quy hoạch là khâu quan trọng trong quy trình kế hoạch hóa của Việt Nam. Nếu thực hiện đúng quy trình: Chiến lược – Quy hoạch – Kế hoạch – Đầu tư phát triển thì sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư.

Quy hoạch cũng là một giải pháp quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn 7%/năm như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo một quy hoạch bài bản, có tầm nhìn dài hạn, dựa trên tổ chức không gian phát triển hợp lý cả ở cấp quốc gia và cấp vùng.

Tuy vậy, cũng theo ông Quang, còn rất nhiều những hạn chế trong thực trạng phát triển và tổ chức không gian trong giai đoạn vừa qua đòi hỏi phải khắc phục trong thời gian tới, trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các vùng.

Thứ nhất, không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình.

Các tỉnh, thành phố tập trung phát triển trong địa giới hành chính, ít phối hợp với các tỉnh lân cận để phát huy lợi thế nhờ quy mô. Các địa phương đều mong muốn quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng quy mô lớn như cảng biển, sân bay dẫn đến đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng thấp. Một số địa phương phát triển theo phong trào, không dựa trên các lợi thế so sánh, nhất là trong xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khó thu hút đầu tư.

Thứ hai, đầu tư phát triển còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ nét các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 27,5% diện tích, 53,1% dân số cả nước. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nên các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Trong giai đoạn 2011-2020, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như các giai đoạn trước đây.

Thứ ba, chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa đồng bộ.

Nhiều đoạn trên trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa được xây dựng. Đường sắt Bắc Nam lạc hậu, chắp vá.

Chậm triển khai các tuyến cao tốc quan trọng kết nối TP HCM với các khu vực: TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Cần Thơ, TP HCM - Vũng Tàu. Chậm hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng phù hợp với đặc thù và yêu cầu phát triển của từng vùng.

Thứ tư, hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, đô thị hóa chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả, chất lượng đô thị chưa cao, tác động lan tỏa của khu vực đô thị còn hạn chế.

Hệ thống đô thị phân bố và phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng. Tập trung phát triển quá mức vào Hà Nội, TP HCM, gây tắc nghẽn giao thông, úng ngập. Nhiều đô thị trung tâm vùng, trung tâm tỉnh chưa phát triển tương xứng. Các đô thị nhỏ và trung bình còn thiếu động lực phát triển kinh tế đô thị.

Thứ năm, chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao

Hiện nay trên địa bàn cả nước đã thành lập 18 khu kinh tế ven biển trên tổng số 28 địa phương ven biển. Tại khu vực ven biển miền Trung, trên địa bàn hầu hết các địa phương từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, trừ thành phố Đà Nẵng, đều có một khu kinh tế ven biển. Số lượng các khu kinh tế ven biển được thành lập nhiều dẫn đến đầu tư dàn trải; vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn hạn chế; việc triển khai xây dựng các khu kinh tế bị chậm, thu hút đầu tư và phát triển các khu kinh tế chưa như mong muốn.

Các cơ chế, chính sách đã ban hành cho các khu kinh tế chưa vượt trội các nơi khác. Các khu kinh tế đều có các định hướng giống nhau như xây dựng cảng biển nước sâu và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, nhiệt điện, đóng tàu... dẫn đến sự lãng phí, chồng chéo và sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Ngoài ra, theo ông Trần Hồng Quang, trong thời gian qua, các khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa chú trọng nâng cao hiệu quả và đổi mới mô hình phát triển, thiếu hạ tầng xã hội như nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức không gian du lịch, phân bố các khu du lịch vẫn chưa hợp lý. Chưa thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển các khu du lịch xứng tầm nên nhiều khu còn hoạt động chưa hiệu quả, sản phẩm còn trùng lặp, thiếu đặc sắc.

Những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch

Từ những hạn chế nếu trên, theo Viện trưởng viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang, trong khi các nguồn lực phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các khu vực khác cùng phát triển.

Theo đó, trong thời kỳ quy hoạch định hướng tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các đô thị lớn, các khu kinh tế gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Thứ nhất, tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi như có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế, các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

Thứ hai, phát triển các vùng động lực, đô thị lớn. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, đã triển khai xây dựng các khu kinh tế ven biển để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Tổ chức không gian phát triển các vùng nhằm khai thác tốt thế mạnh nổi trội của từng vùng; hình thành và phát triển các khu vực động lực của từng vùng gắn với các đô thị lớn, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch... Phát triển hệ thống đô thị trung tâm vùng phù hợp với chức năng của từng vùng.

Thứ ba, phát triển các khu kinh tế. Tập trung đầu tư phát triển một số khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu gắn với các vùng động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng hiện đại, với cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng. Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia theo trục giao thông Bắc - Nam và một số trục giao thông Đông - Tây quan trọng, kết nối với khu vực và quốc tế. Tập trung đầu tư hạ tầng năng lượng, thủy lợi và hạ tầng phòng chống thiên tai, hạ tầng xã hội... Hình thành hạ tầng số đồng bộ, hiện đại là hạ tầng thiết yếu phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đọc tiếp