Trả lời Mekong ASEAN, ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: "Việc xuất khẩu lô nhãn đầu tiên sang Australia đã thể hiện chất lượng quả nhãn của tỉnh Bắc Giang cũng như quá trình tổ chức sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật, kết nối, xúc tiến thương mại của tỉnh. Đây cũng là tín hiệu ban đầu để quả nhãn Bắc Giang tiến vào các thị trường khác, tăng tiêu thụ nhãn tại các thị trường nước ngoài”.
Ông Tùng cũng cho biết, những kinh nghiệm trong năm đầu tiên sẽ là bài học trong việc quản lý, xây dựng mã vùng trồng… để phát triển loại trái cây này trong thời gian tới.
Về kế hoạch xúc tiến, tỉnh Bắc Giang sẽ có những định hướng mới để phát triển trái cây ăn quả khác.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Tùng cho biết, Bắc Giang hướng tới trở thành trung tâm cây ăn quả của Việt Nam với đa dạng trái cây theo định hướng 4 mùa đều có mặt hàng tiêu thụ. Vì thế, ngoài vải thiều, một số cây ăn quả có lợi thế khác (bao gồm nhãn) cũng sẽ được tỉnh chú trọng phát triển.
Tỉnh Bắc Giang hướng tới trở thành trung tâm cây ăn quả của Việt Nam. |
Trước đó, chiều ngày 19/8, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lễ xuất hành lô nhãn tươi đầu tiên xuất khẩu sang Australia với tổng khối lượng hơn 1 tấn.
Lô nhãn của tỉnh được chấp thuận xuất khẩu sau khi đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắt khe từ phía thị trường nước bạn. Doanh nghiệp trực tiếp thực hiện việc thu mua và xuất khẩu là Công ty Toàn cầu Bắc Giang.
Để bảo đảm sản xuất nhãn gắn với xuất khẩu được thuận lợi, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cường chỉ đạo sản xuất nhãn an toàn, mở rộng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nhãn xuất khẩu như CTCP Miền đất nông nghiệp Việt Pháp, CTCP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Việt Nam T&T, CTCP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu...
Tại tỉnh Bắc Giang, nhãn hiện là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với tổng diện tích 3.400 ha, riêng diện tích nhãn muộn là trên 600 ha; tổng sản lượng nhãn tươi ở mức khoảng 20.000 tấn (sau vải thiều và cây có múi). Diện tích trồng tập trung ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang.
Năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện Lục Nam và Yên Thế tổ chức chỉ đạo sản xuất vùng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... với diện tích 200ha, sản lượng khoảng 1.500 tấn.
Đến nay, Bắc Giang đã cấp được 47 mã số vùng trồng, diện tích 514 ha, sản lượng 4.000 tấn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 5 mã số vùng trồng, với diện tích 52.92 ha, sản lượng khoảng 450 tấn để xuất khẩu sang thị trường Australia.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống sâu bệnh, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đảm bảo an toàn phục vụ xuất khẩu đã được thực hiện đầy đảm bảo. 100% các mẫu phân tích đều đảm bảo thu hoạch để phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu như Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, diện tích cây ăn quả của tỉnh hiện đạt khoảng 51.000ha, đứng thứ 4 cả nước.
Trong đó vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích trên 28.300ha (lớn nhất nhất cả nước). Vải thiều của tỉnh hiện xuất khẩu trên 30 quốc gia, trong đó đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU... và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Lào, Campuchia.
Với cây có múi, toàn tỉnh Bắc Giang cũng đang có trên 10.000 ha, đứng thứ 3 các tỉnh Trung du Miền núi Phía Bắc, cây na diện tích trên 2.000 ha, cây dứa 750 ha...