Sẽ sớm có dự thảo Nghị quyết Quốc hội về chính sách nhà ở xã hội

Nhà ở Công nhân
20:55 - 01/02/2023
Cần dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ảnh: minh họa.
Cần dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ảnh: minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một trong các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến người lao động hiện nay là đáp ứng nhu cầu thiết thực về nhà ở để người công nhân có thể "an cư lạc nghiệp".

Số dự án nhà ở xã hội cho công nhân vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023, ngày 1/2, có nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm về vấn đề nhà ở công nhân.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, khảo sát cho thấy nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp hơn có nhu cầu thuê nhà. Mặt khác, có 2/3 công nhân có con nhỏ gửi về quê, đồng thời nhiều công nhân dành khoảng 2/3 thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân và nuôi con nhỏ.

Kiến nghị, đề xuất của các tổ chức công đoàn đều hướng đến giải quyết thấu đáo, có trách nhiệm, nhất là về vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động (Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân).

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin tại hội nghị, tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân.

Cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư. Có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (giữa).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (giữa).

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân.

Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua.

Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp"

Trước các kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động.

Năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho các công việc trọng tâm, đột phá. Trong đó có nhiệm vụ giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan.

Thủ tướng yêu cầu 3 Phó Thủ tướng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động và các Bộ/ngành, tổ chức các cuộc làm việc cụ thể về các nội dung này và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Tin liên quan

Đọc tiếp