Sửa Luật Giá: Làm sao vừa 'đánh' được đầu cơ vừa tôn trọng quy luật thị trường

Luật Giá QUỐC HỘI
20:10 - 07/11/2022
Sửa Luật Giá: Làm sao vừa 'đánh' được đầu cơ vừa tôn trọng quy luật thị trường
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng, có những mặt hàng cần sự điều tiết của Nhà nước, song cần xây dựng những đề xuất rõ ràng để ngoài giá trần còn cần quy định cả giá sàn.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Giá (sửa đổi).

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ nhất trí sửa đổi Luật giá vì có những bất cập. Nhưng để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ, đảm bảo tuân thủ quy luật thị trường, thì trong các quy định cần phải hạn chế các biện pháp can thiệp hành chính như bình ổn giá, định giá.

Đại biểu kiến nghị nên thay biện pháp này bằng chính sách an sinh xã hội, tài chính vi mô, đảm bảo giá cả theo cơ chế thị trường, làm sao luật giá đảm bảo định hướng và quan điểm, Nhà nước quản lý và điều tiết giá theo cơ chế thị trường.

Đại biểu cũng kiến nghị không nên giao định giá và bình ổn giá cho một ngành chủ thể nào mà phải là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ để định giá và bình ổn giá, đảm bảo kỷ cương, trật tự, không để mỗi bộ ngành có thẩm quyền định giá, bình ổn giá.

Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP HCM nhận định, dự thảo Luật Giá sửa đổi vẫn chung chung khi vẫn chọn các mặt hàng thiết yếu, cho kê khai giá rồi Nhà nước xem xét có phù hợp hay không.

"Luật sửa đổi thiết kế như vậy không ổn, bởi doanh nghiệp kê khai giá không có nhiều tác dụng, cần cụ thể hơn", đại biểu nhìn nhận.

Theo bà, trước đây các nhà thuốc hoạt động rất ổn định bởi có quy định giá trần và sàn, tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 20%. Bây giờ chúng ta không có quy định, trong khi đó mới là cốt lõi.

Nếu chúng ta đã có ý định để Nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định biên độ lợi nhuận rõ ràng. Tránh việc cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2,3 lần giá nhập hải quan. Nếu không có quy định thì cao gấp 10 lần cũng không thể nói thế nào là đắt, thế nào là rẻ được.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP HCM

Theo đó, đại biểu cho rằng, biên độ tỷ suất lợi nhuận phải được quy định với một số mặt hàng ảnh hưởng tới trực tiếp người dân như thuốc, lương thực, thực phẩm, xăng dầu..., nhưng biện pháp đưa ra không chỉ căn cứ vào việc kê khai giá để duyệt mà cần xây dựng những đề xuất cho rõ ràng. Luật giá khi đưa ra làm sao vừa đánh được đầu cơ, vừa tôn trọng quy luật thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm, vì người có trách nhiệm duyệt giá sợ bị xử lý.

Quỹ bình ổn xăng dầu giữ hay bỏ?

Đề cập quỹ bình ổn giá, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang thống nhất việc cần phải có đánh giá toàn diện về việc thực hiện để nghiên cứu đưa vào luật. Việc thành lập quỹ này là xuyên suốt hay chỉ trong thời điểm cần thiết?

Với quỹ bình ổn xăng dầu nên tiếp tục duy trì, nhưng trong quy định sử dụng quỹ này cần phải làm rõ công khai minh bạch cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo điều hòa sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Công Long - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì phải xem lại việc duy trì, cách vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong bối cảnh hiện tại việc duy trì quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần cần xem xét.

Phân tích tình hình thực tế nguồn cung xăng dầu vừa qua chịu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới và trong nước, đại biểu Long cho rằng quỹ này tác động không lớn lắm. Khi nguồn cung không đảm bảo thì quỹ bình ổn xăng dầu cũng không giải quyết được gì. Do vậy tác động của quỹ này không lớn đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá, đại biểu Long nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu giữ quỹ này thì phải đánh giá rất kỹ. Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ ở giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ.

Thực chất quỹ này không phản ánh tính chất bình ổn như các loại quỹ bình ổn thông thường. Bởi có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá thế giới tăng thì quỹ này không có tác động đến giá xăng dầu.

Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, thực chất quỹ này hình thành qua trích lập từ giá mua người tiêu dùng trả, giao cho doanh nghiệp quản lý. Trong khi, xăng dầu là loại hàng đặc biệt, chúng ta hoàn toàn có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại hai kỳ họp. Theo chương trình, ngày 11/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự thảo luật này.

Đọc tiếp